TRAN XUAN AN - TIEU SU BN. PCDT. NGUYEN VAN TUONG [ 1 ]

Cuốn sách này, tác giả biên soạn để làm sách dẫn, phục vụ việc nghiên cứu "Đại Nam thực lục chính biên (IV, V, VI)"; đồng thời, đây cũng là đề cương chi tiết của bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử của tác giả: "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)" (NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2004). Trần Xuân An.

1.2.06

TIỂU SỬ BIÊN NIÊN PCĐT. NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tệp 2)

TRẦN XUÂN AN
(biên soạn)

TIỂU SỬ BIÊN NIÊN
KÌ VĨ PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN
NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886)
(tệp 2)



C. CHƯƠNG BA

IV. THỜI LÀM VIÊN NGOẠI LANG BỘ BINH (?) VÀ ÁN SÁT QUẢNG NAM (?)
(*)
---- (*) Theo tư liệu chi tộc phả Nguyễn Văn làng An Cư, Triệu Phong, Quang Trị, do nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc sao chép: Nguyễn Văn Tường có một thời gian ngắn là viên ngoại lang Bộ Binh, án sát Quảng Nam trước khi làm biện lí Bộ Binh (tháng 01 âl.. Giáp tí, 1864).
Người biên soạn cuốn sách này (TXA.) khảo chứng và nhận thấy, mặc dù ĐNTL.CB. không ghi nhận cụ thể công việc ông được triều đình giao, nhưng vẫn ghi rõ ông được xét công, thăng chức, nâng bậc từ 1859 đến 1866 (ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 32 – 34). ----


20) Tự Đức năm thứ 16, Quý hợi (1863): 40 tuổi.
+++ Tháng tư âl..
++ Biện lí Bộ Hình Trần Đình Túc sung làm doanh điền sứ (khai hoang) Thừa Thiên, Quảng Trị.
(ĐNTL.CB., tập 30, sđd., tr. 18).
+++ Tháng năm âl..
++ Hiệp biện đại học sĩ Phan Thanh Giản, Lại bộ tả tham tri Pham Phú Thứ, án sát Quảng Nam Ngụy Khắc Đản đi sứ sang Pháp để bàn lại “hòa” ước 1862.
(sđd., tr. 21 – 25).
++ Mùa viêm nhiệt. Tổng kết từ năm trước đến năm nay, ở Thừa Thiên, Quảng Trị, chết vì bệnh dịch đến 3.600 người.
(sđd., tr. 26).
+++ Tháng bảy âl..
++ Từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào Nam, và từ Nghệ An, Thanh Hóa, đến Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Cao Bằng, các tỉnh ấy đều thỉnh thoảng phát ra dịch lệ.
(sđd., tr. 31).
++ Tháng mười hai âl..
++ Vua cho lập chức hương thân ở các làng thôn, gồm các nhân sĩ có đạo hạnh, không dự việc làng, để chuyên giảng giải cho dân đừng theo “tả đạo”, khi bị “hòa” ước buộc phải cho truyền bá đạo Thiên Chúa này.
(sđd., tr. 44).

V. THỜI LÀM BIỆN LÍ BỘ BINH TẠI KINH ĐÔ HUẾ
21) Tự Đức năm thứ 17, Giáp tí (1864):
41 tuổi.
+++ Tháng giêng âl..
++ Hữu thị lang Bộ Lại Thân Văn Nhiếp, biện lí Bộ Binh Nguyễn Văn Tường đi thăm xét dân tình, địa thế các châu trong huyện Thành Hóa, Quảng Trị, với một số quân lính đầy đủ khí giới, và quà tặng.
(ĐNTL.CB., tập 30, sđd., tr. 51).
+++ Tháng hai âl..
++ Thừa Thiên, Quảng Trị bị bão.
(sđd., tr. 62).
++ Đặng Hạnh thay Tôn Thất Đính làm đề đốc kinh thành.
(sđd., tr. 63).
++ Đặt thêm chức phó quản đạo Quảng Trị.
(sđd., tr. 65).
++ Sứ bộ sang Pháp về tới kinh đô Huế
(sđd., tr. 66).
+++ Tháng năm âl..
++ Toàn quyền sứ thần Pháp Hà Ba Lí (Aubaret) đến kinh đô Huế để định lại “hòa” ước 1862.
(sđd., tr. 84 – 86).
++ Kinh doãn vẫn là Nguyễn Hữu Dương.
(sđd., tr. 87).
+++ Tháng sáu âl..
++ Đình thần dâng mật sớ xin giữ “hòa” ước cũ, vì “hòa” ước mới rất đáng ngại (Pháp vẫn đòi chiếm đóng Sài Gòn, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một; đồng thời “bảo hộ” cả 6 tỉnh Nam Kỳ, túc là toàn bộ Nam Kỳ; và Đại Nam phải trả cho Pháp mỗi năm 2.000.000 nguyên tiền thuế!) (*).
---- (*) Một số tên thực dân không đồng ý với sự sửa đổi này, muốn chiếm cả 6 tỉnh, biến cả Nam Kỳ thành thuộc địa hẳn! (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược [VNSL.], b. 1964, sđd., tr. 498). ----
(sđd., tr. 92 – 93).
(xem lại: sđd., tr. 84 – 86).
++ Nguyễn Hữu Dương bị giáng: phủ thừa.
(sđd., tr. 95).

VI. THỜI LÀM PHỦ DOÃN THỪA THIÊN (THỐNG HẠT ĐẠO QUẢNG TRỊ)
++ Tình hình sôi lên vấn đề lương – giáo: khích bác nhau. Vua thấy cần phải chọn người giỏi để hiểu bảo ở hai điểm nóng và cũng là hai địa hạt lớn: Thừa Thiên, Nghệ An. Do đó, biện lí Nguyễn Văn Tường thay Trần Tiến Thọ (đang bị dân kiện, đợi xét), biện lí Ngụy Khắc Đản làm bố chính sứ thay Đoàn Văn Hội.
(sđd., tr. 97 – 98).
+++ Tháng bảy âl..
++ Thi hương ở trường Thừa Thiên, có sĩ tử nộp quyển chậm, mãi đến giờ tuất (19 – 21 giờ). Gia ân rộng giờ từ đấy.
(sđd., tr. 104).
++ Vụ nổi dậy của Hồng Tập tại kinh đô Huế.
(sđd., tr. 152 – 156).
+++ Tháng chín âl..
++ Các binh đinh thuộc hộ đánh cá Thừa Thiên (đội binh Nội Cần) thiếu ngạch lính.
(sđd., tr. 117).
++ Phủ thần Thừa Thiên (*) cùng với khoa đạo, thị vệ chia nhau đi các phủ hạt để phát chẩn cho dân, do bão lụt.
(sđd., tr. 118).
---- (*) Phủ thần Thừa Thiên gồm phủ doãn (kinh doãn, tức là bố chính sứ ở kinh sư, vào thời điểm này kiêm quản cả đạo Quảng Trị), phủ thừa (án sát sứ kinh sư) và đề đốc kinh thành (đạo Quảng Trị có lãnh binh quan riêng). Phủ doãn là người đứng đầu trong 3 vị phủ thần Thừa Thiên và chịu trách nhiệm chính. Người biên soạn (TXA.) vẫn khảo sát Nguyễn Văn Tường sau danh từ chỉ chung này (phủ thần), với sự lưu ý về chức năng riêng của phủ doãn (kinh doãn). ----
++ Phủ thần Thừa Thiên thăm xét các dân đói Nam – Ngãi phiêu tán ra, giao người còn khỏe mạnh cho doanh điền sứ Trần Đình Túc, người già ốm, trẻ nhỏ cho Sở Dưỡng tế.
(sđd., tr. 120 – 121).
++ Cũng tháng 9 âl., cho các bần nông Thừa Thiên vay tiền, thóc; sửa chữa đường sá bị sụt lở để họ có công ăn việc làm.
(sđd., tr. 126 – 127).
+++ Tháng mười âl..
++ Xây dựng nghĩa địa ở kinh đô cho người chết đường chết chợ, di táng mộ không ai thăm viếng.
(sđd., tr. 138 – 139).
++ Cũng tháng 10 âl., phủ thần tạm lãnh trước tiền công, thu mua hóa đơn gạo lương; chẩn cấp cho xã Thai Dương bị hỏa tai; xuất thóc bán cho dân thiếu đói, cấp tiền vốn công cho dân nghèo Quảng Trị đi đẵn gỗ.
(sđd., tr. 140, 141, 144).
+++ Tháng mười một âl..
++ Phủ doãn Nguyễn Văn Tường được kiêm chức khuyến nông sứ, đi khắp tỉnh Thừa Thiên, đạo Quảng Trị, xem xét địa thế, tùy chỗ mà cho khai khẩn.
(sđd., tr. 148).
++ Cũng tháng 11 âl., phủ thừa Nguyễn Hữu Dương làm lễ đảo vũ để bớt sâu ăn lúa; vua xuống dụ tự phê bình, xuống sắc khuyên nhắc các quan cả nước.
(sđd., tr. 149).
++ Chuẩn định từ tháng 9 âl., nay Tự Đức cho khởi công xây dựng “Vạn Niên cát địa” (Khiêm lăng), tại xã Dương Xuân.
(sđd., tr. 131).
+++ Tháng mười hai âl..
++ Đình bãi việc đánh thuế trường mậu dịch huyện Thành Hóa, Quảng Trị (đạo thần Đinh Văn Khoa: khác với ý kiến trên của huyện thần Nguyễn Duy Tự; vua theo ý kiến của Nguyễn Duy Tự); miễn thuế đinh cho dân nghèo Quảng Trị.
(sđd., tr. 150).
++ Cũng vào tháng này, vua xét tình hình sĩ tử các trường thi (Thừa Thiên, Hà Nội, Nam Định): bàn luận không tán thành việc nghị “hòa” với Pháp, đồng thời niêm yết bích chương với nội dung phản đối, làm sôi động khắp nơi. Các quan dạy học và quan tỉnh đạo đều bị cách, lưu lại hoặc giáng một cấp, lưu chức vì nguyên nhân đó; riêng Doãn Khuê, Cát Văn Tụy, bị giáng 4 cấp, vẫn được lưu nhiệm.
(sđd., tr. 152).
++ Xét vụ nổi dậy Hồng Tập (mưu giết Phan Thanh Giản và Trần Tiễn Thành, đồng thời “sát tả”…). Do canh tuần cẩn mật, phát hiện ra vụ việc, Đặng Hạnh được tặng thưởng cao nhất, Nguyễn Văn Tường và Nguyễn Hữu Dương đều được thưởng gia một cấp, và mỗi người một chiếc nhẫn nạm pha lê.
(sđd., tr. 154 – 156).

22) Tự Đức năm thứ 18, Ất sửu (1865): 42 tuổi.
+++ Tháng giêng âl..
++ Theo lệnh vua, phủ thần xuất gạo kho cho dân ven biển, men núi vay vì gặp đói kém, phát chẩn cho dân phiêu tán từ Quảng Nam ra; khơi sông cũ An Vân ở Thừa Thiên.
(ĐNTL.CB., tập 30, sđd., tr. 161).
++ Vua Tự Đức bàn kế sách “đoạn tuyệt” với Nam Kỳ trước yêu sách của Pháp; nhưng về sau vẫn thực hiện chiến lược “lưỡng toàn” (vừa “đoạn tuyệt”, vừa ngầm ủng hộ kháng chiến).
(sđd., tr. 162 – 163).
(xem: ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 49).
+++ Tháng hai âl..
++ Phủ thần Thừa Thiên cùng các tỉnh đạo thần (Quảng Nam…) làm nhà tạm, chi muối gạo để nuôi dân đói, cấp thuốc, chôn người chết đói, theo dụ của vua và lời tâu của Hoàng Văn Tuyển.
(sđd., tr. 170 – 171).
++ Vua trách tri huyện Thành Hóa, Quảng Trị Nguyễn Duy Tự không phải là người trọng hậu như Nguyễn Văn Tường trước đây, bảo Thân Văn Nhiếp và Nguyễn Văn Tường suy xét. Sau đó, Thân Văn Nhiếp tâu xin cho Nguyễn Văn Tường và Trần Đình Túc cáng đáng việc đó. Nguyễn Văn Tường tự nguyện từ chức phủ doãn để dấn thân vào chốn sơn lam chướng khí ấy, nhường chức phủ doãn cho Trần Đình Túc. Vua muốn biết tài năng Nguyễn Văn Tường ở cương vị phủ doãn, nên không đồng ý; cho phép Nguyễn Văn Tường cùng Trần Đình Túc bàn định công việc doanh điền của phủ Thừa Thiên và đạo Quảng Trị, được quyền bàn chọn viên quản đạo và tri huyện.
(sđd., tr. 171 – 172) (*).
---- (*) Đây là một chi tiết rất đáng lưu ý, được Quốc sử quán ghi chép khá dài trong ĐNTL.CB., tập 30, sđd., số trang ghi trên. ----
++ Cũng vào tháng này, Vũ Tập (Hồng Tập) bị xử chém về vụ chống đối việc “hòa” nghị với Pháp (Hoàng Diệu, người Quảng Nam, ở trong đội thi hành án (**)). Một số quan muốn chữa tội danh bị kết án cho Hồng Tập, mặc dù ông đã bị chém rồi, nhưng không được vua và triều thần chấp thuận. Các quan ấy bị giáng cấp.
---- (**) Hoàng Diệu về sau tử tiết tại thành Hà Nội.
Xem: mục tháng ba âl., Nhâm ngọ (1882). ----

(sđd., tr. 172 – 173).
++ Vua xuống dụ tự phê bình, trông mong lời nói thẳng.
(sđd., tr. 174).
++ Cuối tháng hai âl. này, Trương Đăng Quế chết tại quê nhà Quảng Ngãi.
(sđd., tr. 177 – 178).
+++ Tháng ba âl..
++ Giặc biển cướp các xã ở Thuận An, Thừa Thiên và ấp An Cư ở cửa biển Hải Vân, cũng thuộc Thừa Thiên.
(sđd., tr. 183, 184 – 185).
++ Cũng tháng ba âl. này, phủ doãn Thừa Thiên Nguyễn Văn Tường dâng tập tâu lên vua, nội dung bàn về vấn đề phòng đói và cứu đói cho dân, gồm bốn khoản. Trong đó, có 3 khoản đề cập trực tiếp với biện pháp cụ thể (*):
---- (*) Quốc sử quán chép lại nguyên văn bản tấu. ----
a. Với dân ven núi: cấp tiền gạo cho dân đẵn củi, đốt than; các thuộc viên sẽ đến tận làng thu mua theo giá chợ.
b. Với dân chài ven biển: cấp vốn hoặc gạo để dân mua ngư cụ. Và cũng như đối với dân miền núi, dù thời hạn khác nhau, phủ đạo sẽ thu hồi tiền vốn cho vay.
c. Các thửa ruộng của các xã đã cầm cố cho nhà giàu, nhà giàu phải trả lại để dân chia đều (quân cấp) cày cấy. Cần tiến hành việc hạn điền: không quá 5 mẫu với những ai đã có từ 1 đến 2 mẫu ruộng tư; ai có trên 5 mẫu ruộng tư phải trả lại số ruộng công mà họ nhận cầm cố. Để tiến hành được, phải vận dụng luật pháp. Mặt khác, nếu đã chia đều ruộng, mà binh dân không cày cấy nổi, có quyền cho làm rẽ (lĩnh canh, gặt chia đôi); ai thiếu vốn, kinh phủ cấp bằng hình thức cho vay không lấy lãi, để có thể tự cày cấy.
Đây là một quan điểm về ruộng đất rất tiến bộ và tích cực trong thời bấy giờ của Nguyễn Văn Tường.
d. Dời huyện lị Hương Thủy để dễ cứu giúp và thuận lợi khi khẩn yếu, vì có dời chuyển đến vị trí mới, mới thuận tiện về đường thủy, đường bộ; đề xuất quan huyện Hương Thủy kiêm nhiếp huyện Phú Lộc.
Vua đồng ý về 3 khoản, và nhận định vấn đề ruộng công bị cầm cố thật tệ hại từ lâu, nhưng chưa dám khinh suất đồng ý. Vua giao cho Bộ Hộ duyệt bàn. Bộ Hộ cho rằng trả ruộng công bị cầm cố chỉ hại dân mà thôi! Cuối cùng, không thi hành.
(sđd., tr. 186 – 188).
Ý của Bộ Hộ cho rằng tập trung ruộng công (công điền) vào địa chủ tốt hơn, thây mặc dân nghèo và neo đơn (không có vốn đầu tư và không đủ sức lao động)! Đúng là thực tế tàn nhẫn!
Thời điểm này, Phan Thanh Giản là thượng thư Bộ Hộ.

(sđd., tr. 268).
+++ Tháng tư âl..
++ Khơi sông Vĩnh Định, Quảng Trị.
(sđd., tr. 190).
++ Vẫn tháng này, quan sở tại (phủ thần) lại xem xét, nuôi cấp người nghèo, neo đơn; cấp lương thực cho người xiêu giạt về quê, tự lực.
(sđd., tr. 190).
++ Giặc biển cướp đồn Tư Hiền. Đề đốc Nguyễn Cửu Lễ, phủ thừa Vũ Khắc Bí phục kích, bắn dẹp.
(sđd., tr. 195).
++ Vẫn tháng 4 âl., phủ thần Thừa Thiên xin đem gia đình Đinh Đạo (Ưng Đạo: con Hồng Bảo), gồm 4 người, tới mộ Hồng Bảo (anh ruột, cùng cha khác mẹ, của vua Tự Đức) để cúng tế khi được lệnh cho cải táng.
(sđd., tr. 197).
+++ Tháng năm âl..
++ Đề đốc kinh thành Nguyễn Cửu Lễ xin tăng cường phòng thủ mặt biển; các đại thần (Phan Thanh Giản, Đoàn Thọ, Trần Tiễn Thành…) đến khám xét.
(sđd., tr. 202 – 203).
++ Lưu Hội thay Nguyễn Cửu Lễ, làm quyền đề đốc kinh thành; Nguyễn Cửu Lễ ra Bắc.
(sđd., tr. 204).
++ Phủ Thừa Thiên tu sửa, xây dựng lại trường thi Thừa Thiên.
(sđd., tr. 215).
+++ Tháng sáu âl..
++ Nguyễn Văn Tường đi khám xét sông Vĩnh Định, Quảng Trị, khuyến khích khởi công về việc trị thủy.
(sđd., tr. 226).
++ Phủ thần Thừa Thiên xin cấm thuyền buôn Quảng Nam ra mua gạo vì giá gạo ở kinh đô đã quá đắt đỏ. Vua sai Bộ Hộ cấp vốn cho thuyền buôn, vào Vĩnh Long buôn gạo ra.
(sđd., tr. 228, tr. 229).
++ Định lệ chia đều ruộng công lại (3 đến 6 năm).
(sđd., tr. 230).
++ Phủ huyện thần cùng các quan nha, bộ chia nhau đi chẩn cấp cho dân Nam – Ngãi xiêu tán.
(sđd., tr. 230).
+++ Tháng bảy âl..
++ Sông Vĩnh Định (tỉnh Quảng Trị) khơi xong. Nguyễn Bỉnh, Nguyễn Đức Đạt đến khám và dựng bia.
(sđd., tr. 237).
++ Tri huyện Đăng Xương (Quảng Trị) Trần Cương và bố là Trần Kinh bức dân chiếm của, bị cách, giáng đổi; người tiến cử bị truy xét.
(sđd., tr. 238 – 239).
+++ Tháng chín âl..
++ Thị độc học sĩ Phan Trung theo lời dụ của vua ra kinh đô Huế.
(sđd., tr. 255).
++ Cho người lạc quyên ra làm việc.
(sđd., tr. 256).
++ Pi E Tạ Văn Phụng (Pierre Phượng, Pi-e Phụng) và các đầu sỏ, tàn quân bị trôi giạt vào biển Quảng Trị, Thừa Thiên; đều bị bắt đóng cũi, giải về kinh.
(sđd., tr. 258 – 259).
++ Phủ Thừa Thiên khám ao sen đã hóa ruộng của Phú Bình công Miên Áo (cha của Hồng Tập), bị con cái bán cho Ninh Thuận công: Miên Áo cũng bao chiếm trái phép!
(sđd., tr. 260 – 261).
+++ Tháng mười âl..
++ Lệnh cho kinh doãn và các tỉnh thần tiến cử người tài đức. Tự Đức nhắc lại: “Tiến được người tài, sẽ được thưởng hậu; che giấu [ém tài], sẽ bị giết” , theo tinh thần xưa truyền lại.
(sđd., tr. 267 – 268).
++ Xử chém, bêu đầu bọn giặc Pi E (Pierre) Tạ Văn Phụng tại pháp trường Bắc Dã, sau đó đóng hòm thủ cấp chuyển đi các tỉnh (đã mổ tim gan [theo kiểu trung cổ!], tế vong hồn tướng sĩ trận vong).
(sđd., tr. 275 – 276).
+++ Tháng mười một âl..
++ Nuôi tằm ở Thái Thường tự. Phủ thần Thừa Thiên gọi thuê người.
(sđd., tr. 280).
++ Đặt chức điển học, tương đương đốc học, ở Quảng Trị.
(sđd., tr. 283).
++ Ủy lạo các “cống man” đạo Cam Lộ, Quảng Trị.
(sđd., tr. 283).
++ Phủ thần Thừa Thiên xin phòng kiểm nghiêm thêm đối với gia đình Đinh Đạo (quan hệ với phò mã Nguyễn Đình Tứ – con trai Nguyễn Đình Tân [bố vợ của nhà vua]). Vua Tự Đức hỏi Tôn nhân phủ, đình thần và phủ doãn Nguyễn Văn Tường về biện pháp xử trí. Nguyễn Văn Tường thưa: Không dám bàn, chỉ xin chia ghép các người em Đinh Đạo ở các tỉnh gần…
(sđd., tr. 286 – 287).
+++ Tháng mười hai âl..
++ Vua chấn chỉnh lại Viện Đô sát. Phủ Thừa Thiên thuộc đạo Kinh kì (gồm với Phủ Tôn nhân, Nội các); các mặt đều do đạo này kiểm xét.
(sđd., tr. 289 – 290).
++ Vua lấy ý kiến các triều thần và phủ, tỉnh, đạo thần về việc cấm hẳn hay đánh thuế nặng thuốc phiện (xem như cấm; chỉ người giàu mới hút nổi). Có hai ý kiến. Phủ Thừa Thiên và một số tỉnh thần khác thuộc về ý kiến thử nghiệm biện pháp đánh thuế nặng vài năm, xem sao.
(sđd., tr. 294 – 296).
(xem lại: sđd., tr. 163 – 164).
Trong lúc đó, Pháp áp đặt số tiền thuế thuộc phiện rất lớn ở Nam Kỳ, buộc phải tiêu thụ rộng rãi trong nhân dân ba tỉnh Miền Đông lục tỉnh.
Triều đình đã thi hành một biện pháp tai hại để bù đắp vào số “chiến phí” bị thực dân Pháp cưỡng bức và bót lột!


23) Tự Đức năm thứ 19, Bính dần (1866): 43 tuổi.
+++ Tháng hai âl..
++ Nhân đợt xét công 2 khóa, gồm 6 năm (1859): thự phủ doãn Nguyễn Văn Tường mới được thăng chức, nên chỉ được thưởng thêm một cấp.
(ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 12 – 14).
+++ Tháng năm âl..
++ Thừa Thiên và các tỉnh khác được mùa.
(sđd., tr. 34).
+++ Tháng sáu âl..
++ Đạo đồ Nguyễn Hoằng (người Hương Khê, Hà Tĩnh) biết tiếng Pháp, được điều về kinh đô Huế.
(sđd., tr. 41).
+++ Tháng bảy âl..
++ Tự Đức và triều thần bàn kế sách “lưỡng toàn” đối với Nam Kỳ.
(sđd., tr. 49).
(xem lại: mục tháng 01, Ất sửu [1865]).
++ Phạm Phú Thứ: Xin đặt chức tuyên phủ sứ ở 4 tỉnh, trong đó có 1 chức ở Cam Lộ, Quảng Trị (trước đó đã có, nhưng bị bãi bỏ một thời gian); bề ngoài là buôn bán ở thành, ở chợ, bên trong là việc quân; lại tâu bàn về vấn đề lưu quan (Kinh), thổ quan (Thượng). Vua cùng đình thần chỉ nhất trí thi hành ở Cam Lộ, và vẫn đặt lưu quan, còn thế tập thổ tù thì phải xem lại.
(sđd., tr. 50).

VII. THỜI BỊ CÁCH CHỨC, LẠI ĐƯỢC PHÁI ĐI LÀM BANG BIỆN HUYỆN THÀNH HÓA (QUẢNG TRỊ), ĐI ĐẤU TRANH VỀ NGOẠI GIAO TẠI GIA ĐỊNH (NAM KỲ), ĐƯỢC CỬ VÀO SỨ BỘ DỰ ĐỊNH ĐI PHÁP VÀ CÁC NƯỚC CHÂU ÂU.
+++ Tháng tám âl..

++ Ngày 8 tháng 8 âl., năm Bính dần (1866), nổ ra cuộc đảo chính do Đoàn Trưng lãnh đạo (khởi nghĩa Chày Vôi). Phủ doãn Nguyễn Văn Tường, phủ thừa Vũ Khắc Bí, hộ thành phó sứ Nguyễn Tuần, tri huyện Hương Thủy Nguyễn Thừa Huy đều bị cách chức, cho làm việc chuộc tội. Đề đốc Nguyễn Hữu vì mới nhiệm chức, bị giáng xuống làm suất đội Cấm binh. Tất cả đều vì sơ suất việc canh phòng, kiểm sát.
(sđd., tr. 53 – 57).
++ Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình lập tức được điều về kinh.
(sđd., tr. 58).
++ Nguyễn Tri Phương: giữ Bộ Binh, Hải phòng sứ kinh kì. Vũ Trọng Bình: giữ Bộ Lại, kiêm quản Quốc tử giám. Cả hai đều được sung chức Cơ mật viện đại thần.
(sđd., tr. 59).
+++ Tháng chín âl..
++ Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình dâng sớ về việc xây dựng “Vạn Niên cát địa” và vụ Đoàn Trưng. Trong đó, có thêm một ý là xin vua xuống chiếu tự trách mình. Tự Đức lần này lại không muốn công khai tự phê!
(sđd., tr. 62 – 63).
+++ Tháng mười âl..
++ Quan quản đạo Quảng Trị Nguyễn Quýnh (Nguyễn Quang Quýnh (*)) dâng sớ: Xin dời kinh đô; đem các tỉnh lên thượng du; từ Nghệ An vào Nam, khai khẩn miền núi; lại xin đặt đồn Ba Xuân (Quảng Trị). Nguyễn Quýnh vốn là người được Nguyễn Văn Tường chọn làm quản đạo Quảng Trị theo sự cho phép của vua trước đây. Vua bảo: “Trước Nguyễn Văn Tường cũng xin nhận làm việc ấy, tất phải làm theo lời nói” (nguyên văn). Và chuẩn cho Nguyễn Văn Tường làm bang biện huyện Thành Hóa, được cấp ấn khâm phái quan phòng, cho được tự ý tư tâu (theo chủ kiến, tự tâu trực tiếp lên vua). Dẫu sao, ý vua và Cơ mật viện vẫn muốn lần lữa.
(sđd., tr. 86 – 87).
---- (*) “Nguyễn Quang Quýnh, người xã Bàn Thạch, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam; làm quan tới chức bố chánh, bị cách; được phục chức quản đạo, lại bị cách”. Xem: “Quốc triều hương khoa lục, sđd., tr. 178. ----
+++ Tháng mười một âl..
++ Bang biện Thành Hòa huyện vụ Nguyễn Văn Tường dâng tập tâu về đồn Trấn Lao: Nên khai hoang, đưa dân đến ở, vì nghe bọn Tây dương sắp phái người chiếm đất từ hướng Lào sang; nên chọn người Khách (Minh Hương, Thanh) và đầu mục Cao Bằng để khai khẩn… Vua y cho.
(sđd., tr. 89).
+++ Tháng mười hai âl..
++ “Hoang man” tranh chấp với “thục man”. Quan tỉnh xin vua sai Nguyễn Văn Tường xét xử theo tục người Thượng.
(sđd., tr. 100).
++ Bang biện Thành Hóa Nguyễn Văn Tường tâu bày 6 điều về Sơn phòng đạo Cam Lộ, Quảng Trị (*).
---- (*) Quốc sử quán trích nguyên văn bản tấu này. Xem: ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 103 – 104. ----
1) Binh đội Thiên Thiện và số lính bị tù khổ sai, xin được đưa đến để khai khẩn (*).
---- (*) Vua Tự Đức có lần nhận định: “Quân cảm tử phần nhiều ở trong đám tù phạm; chọn lấy kẻ dũng cảm; [vấn đề] chỉ ở tướng kheo khuyên dùng mà thôi” (nguyên văn) (ĐNTL.CB., tập 35, sđd., tr. 191). ----
2) Mở con đường thượng du từ Tây Sơn, Bình Định đến Trấn Ninh, Nghệ An, ngang qua Cam Lộ để chống giặc, phòng giữ cho nhau.
3) Mộ thêm lính Định “Man” để vỡ hoang, lập làng (ruộng một nửa sẽ là thế nghiệp [ruộng tư, nối đời thừa kế], một nửa sẽ là công điền) với các chi phí và chu cấp.
4) Không thu thuế ở đó nữa, mà phái người mua bán với dân để thu lãi cho ngân sách; và di dời chợ.
5) Cắt một số tổng của Do Linh, Đăng Xương để cùng sáp nhập thêm với một số phường thượng nguyên mới lập vào Thành Hóa; lại dời huyện nha.
6) Lập hộ lấy gỗ chịu thuế; sáp nhập giản binh vào cơ Định “Man”.
Vua y theo.
(sđd., tr. 103 – 104).
Trong 6 điều đó, điều 2 chính là việc khôi phục con đường mòn của Quang Trung (?) và sau này là đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn.
Đây là một ý tưởng có tầm chiến lược.
Các điều khác là những công việc tạo nên tiền đề của căn cứ Tân Sở sau này
.

24) Tự Đức năm thứ 20, Đinh mão (1867): 44 tuổi.
+++ Tháng hai âl..
++ Giặc biển đóng ở phận biển Quảng Trị, quấy nhiễu và tiến vào cướp bóc ở Thừa Thiên. Vua sai quân đánh dẹp.
(ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 110 – 111).
++ Bang biện huyện Thành Hóa Nguyễn Văn Tường lại tâu: Cho dân Thiên Chúa giáo lên Cam Lộ khẩn hoang, nhưng chỉ cho số dân Thiên Chúa giáo chưa vào sổ đinh; sắp xếp ở gần dân lương để tiện kèm giữ và để biết rõ số lượng dân lậu, đồng thời cũng để mở rộng vùng dân cư. Cơ mật viện dè dặt và vua theo ý Cơ mật viện.
(sđd., tr. 116).
+++ Tháng ba âl..
++ Quan quản đạo Quảng Trị là Đinh Văn Khoa xin chiêu phủ 3 châu Ba Lan, Tầm Bồn, Mang Bổng. Vua ngại, vì đã trả cho Lào; sai Nguyễn Văn Tường xem xét. Ông xin để im.
(sđd., tr. 118).
+++ Tháng sáu âl..
++ Pháp chiếm ba tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Phan Thanh Giản “dâng” 3 tỉnh ấy rồi tự sát bằng cách tuyệt thực [và uống độc dược].
(sđd., tr. 133 – 135).
++ Cũng tháng này, có nhiều nguồn tin ở Nghệ An, Quảng Bình về việc người Pháp đến sông Khung Giang (Mê Kông) mua chuộc dân Lào. Vua sai bảo quan, dân tỉnh Nghệ An, dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) phải luôn do thám.
(sđd., tr. 137).
+++ Tháng bảy âl..
++ Lại khơi sông Vĩnh Định, Quảng Trị (Trần Đình Túc khơi đền, bởi lần trước khơi chưa thông dòng).
(sđd., tr. 146).
+++ Tháng tám âl..
++ Thừa Thiên, Quảng Trị và một số tỉnh phía Bắc bị bão.
(sđd., tr. 165 – 166).
+++ Tháng chín âl..
++ Bàn về công, tội: Nguyễn Tri Phương và các quan quân liên đới trong việc chiến đấu chống Pháp và chiến bại; Phan Thanh Giản và các quan chức khác với tư tưởng chủ “hòa” trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ.
(sđd., tr. 168 – 169).
+++ Tháng mười hai âl..
++ Hiệp biện đại học sĩ Trần Tiễn Thành cùng bang biện huyện Thành Hóa Nguyễn Văn Tường đi tàu thủy vào Gia Định bàn điều ước mới. Vua dặn: Không được toàn quyền quyết định; phải biên rõ từng khoản bàn định thế nào để đem về, vua và đình thần xem lại.
(sđd., tr. 184).

25) Tự Đức năm thứ 21, Mậu thìn (1868): 45 tuổi.
+++ Tháng hai âl..
++ Trần Tiễn Thành bị giáng xuống tả tham tri Bộ Công nhưng hàm chức vẫn như cũ (vẫn lãnh thượng thư…), vì chuyến đi bàn định điều ước vừa rồi thất bại.
(ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 194).
++ Lai lịch đầu sỏ giặc Ngô Côn: tên khác là Trung, Á Chung, hay còn gọi là Hòa Khanh; trước đây quấy nhiễu ở xứ Quy Thuận (Trung Hoa) (y vốn là tàn quân Thái Bình thiên quốc). Khi quân Thanh đánh đuổi, chúng bèn tràn sang nước ta, lại nhập bọn với giặc dã (giặc cỏ) xin ra thú. Quan quân nước ta đã sắp xếp cho chỗ ở. Nay chúng lại làm phản.
(sđd., tr. 198).
+++ Tháng ba âl..
++ Bang biện Thành Hóa Nguyễn Văn Tường được gia hàm thị độc học sĩ, sung làm bồi sứ của sứ bộ dự định sang Ba Lê (Paris, thủ đô nước Pháp) và một vài nước châu Âu khác. Ông cùng đi với Nguyễn Văn Phong, chánh sứ, Phan Đình Bình, phó sứ. Nguyên trước đây, Pháp đã chiếm thêm 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), chúng làm “hòa” ước mới, buộc triều đình Đại Nam đóng ấn, kí tên. Vua bèn cử sứ bộ sang Ba Lê (Paris), tỏ ý muốn chuộc 3 tỉnh Miền Đông, nhường Pháp 3 tỉnh Miền Tây và xóa hết điều khoản bồi thường “chiến phí”…; đồng thời sứ bộ cũng đi vài nước châu Âu khác để vận động ủng hộ. Nguyễn Văn Tường thay mặt sứ bộ vạch trần âm mưu xâm lược và mưu kế lập “hòa” ước của Pháp [lừa ta vào bàn hội nghị về “hòa” ước, sau đó lại làm sức ép] (*). Thực chất của việc lập “hòa” ước mới là để chính thức hóa, hợp pháp hóa chủ quyền cho Pháp trên 6 tỉnh Nam Kỳ mà thôi, nhằm để sĩ phu lâm vào tình cảnh bị “bán đứt”, khó ăn khó nói. Ý Nguyễn Văn Tường là không muốn sa vào mưu kế của Pháp. Ta không nên kí “hòa” ước mới. Vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng vũ trang. Điều cần thiết trước mắt là phải chấn chỉnh, tăng cường binh lực và sự phòng thủ.
Sau bản tấu nghị ấy, Nguyễn Văn Tường về lại Cam Lộ (Quảng Trị), tiếp tục xây dựng cơ sở kháng chiến.
(ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 202 – 204).
---- (*) Quốc sử quán ghi chép lại nguyên văn bản tấu này. ----
Tư tưởng giải quyết vấn đề bằng vũ trang, chứ không chỉ bằng ngoại giao, là rất đúng đắn và thiết thực. Con đường “hòa” nghị chỉ là ảo tưởng.
+++ Tháng tư nhuận âl..
++ Dời huyện lị Minh Linh (Vĩnh Linh) (thuộc tỉnh Quảng Trị) ở Đan Duệ đến Kinh Môn.
(sđd., tr. 213).
++ Vũ Trọng Bình, Đinh Văn Bân ra Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh xử trí việc xung đột lương, giáo (Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ An đốt phá nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhà ở của giáo dân…).
(sđd., tr. 213).
+++ Tháng năm âl..
++ Dụ các học quan ổn định tư tưởng của sĩ tử (gần đây, rộ lên vấn đề xung đột lương, giáo ở trường thi).
(sđd., tr. 214).
++ Đặt thêm chức phó lãnh binh quan đạo Quảng Trị.
(sđd., tr. 219).
++ Bộ Hộ (Phạm Phú Thứ) tâu xin tăng thuế trường mậu dịch huyện Thành Hóa (từ 4.500 quan lên đến 6.000 quan / năm: tăng thêm 1/3, thành 4/3). Nguyễn Văn Tường tâu xin vẫn để như cũ về mức thuế, vì thuế quá cao, dân nghèo khô kiệt vốn, dân Thượng bất mãn; nếu tăng thuế phải dời chợ đến nơi mới, mở rộng dân cư và tăng nguồn lợi trước đã.
(sđd., tr. 221).
+++ Tháng sáu âl..
++ Quan quản đạo Quảng Trị Trần Ngọc Lý tâu bày về tình hình ruộng đất xấu và dân nghèo ở Quảng Trị; phân tích lợi, hại, tâu rõ là hại nhiều hơn ở việc việc lập kho xã thương (dân không thích cày cấy ruộng xã thương vì không thu hoạch hoàn toàn về mình); và xin bãi bỏ việc định ra loại ruộng ấy. Tuy vậy, Bộ Hộ vẫn phân tích lợi ích của kho xã thương, ruộng xã thương, nhưng cũng tâu thêm: xin tùy tình hình, chọn một trong hai cách, hoặc quân cấp (chia đều) ruộng cho dân, hoặc vẫn duy trì ruộng xã thương; không còn cách nào khác.
(sđd., tr. 225).
++ Cũng tháng sáu âl., tổng đốc An – Tĩnh Hoàng Tá Viêm tâu về con đường mới mở ở Hương Khê, Hà Tĩnh đến Lũ Châu, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, và về đường thủy ở tỉnh ấy, cùng biện pháp treo giải thưởng để khuyến khích nhân dân đóng góp công sức; đồng thời xin cho Vũ Trọng Bình hội bàn với quan hai tỉnh An – Tĩnh về việc trên. Vua nghe theo, lại cho thôi.
(sđd., tr. 227 – 228).
Con đường mới mở nói trên là con đường Nguyễn Văn Tường đề xuất, vua cho tiến hành từ tháng 12 âl., Bính dần (1866).
(xem lại: sđd., tr. 103 – 104).
++ Đào sông Vĩnh Định (Quảng Trị, đoạn 4 xã: Câu Hoan, Đa Nghi, Hội Yên, Đan Quế); nhưng bị mưa lụt, rồi lại thôi đào.
(sđd., tr. 228).
++ Thời điểm này: Phủ doãn Thừa Thiên là Đỗ Đệ.
(sđd., tr. 230).
+++ Tháng bảy âl..
++ Dân nội tịch Minh Hương là Trần Tú Vạn xin khai hoang phục hóa số ruộng ở Phan Xá, Tiên An, để lập phường Minh Hương, lệ vào tổng Thủy Ba, Do Linh (Quảng Trị). Vua cho phép.
(sđd., tr. 236).


D. CHƯƠNG BỐN

VIII. THỜI LÀM TÁN TƯƠNG QUÂN THỨ, TIỄU PHỈ Ở BẮC KỲ (LẠNG SƠN, BẮC NINH…).

++ Cũng vào tháng 7 âl., Mậu thìn, năm Tự Đức thứ 21 (1868), bang biện huyện Thành Hóa Nguyễn Văn Tường sung làm tán tương quân thứ, cùng một lực lượng quân hùng hậu, chia làm 3 đạo, đều do Đoàn Thọ (người An Giang, Nam Kỳ) giữ quyền tiết chế, ra Bắc Kỳ tiễu phỉ:
1. - Đoàn Thọ: Bình khấu tướng quân.
2. - Nguyễn Hiên: Thảo nghịch tả tướng quân.
3. - Phan Khắc Thận: Thảo nghịch hữu tướng quân.
4. - Lê Bá Thận: Chính đạo tham tán đại thần.
5. - Hoàng Văn Tuyển: Tả đạo tham tán đại thần.
6. - Trương Phúc Lý: Hữu đạo tham tán đại thần.
7. - Nguyễn Hữu Điềm: Tán lí quân thứ
8. - Nguyễn Văn Tường: Tán tương quân thứ.
9. - Nguyễn Văn Hùng: Phó đề đốc.
10. - Trần Văn Hùng: Lãnh binh quan Lạng Sơn.
Vua sai Trần Tiễn Thành ban rượu tiễn ở của Ngọ Môn và tặng thưởng theo cấp bậc.
(sđd., tr. 238).
++ Phủ Thái Bình nước Thanh gửi công văn thông báo sẽ cùng đánh giặc Ngô Côn (vốn là tàn dư Thái Bình thiên quốc ở Trung Hoa, đã biến tướng thành phỉ, tràn sang nước ta cướp bóc, chiếm đất, xưng hùng xưng bá). Trước đó, triều đình Đại Nam cũng thông tư cho đề đốc nước Thanh Phùng Tử Tài, để cùng hội đánh, vì quan quân nước ta đã vỗ yên bọn phỉ này nhưng chúng lại trở mặt, làm phản, quấy nhiễu.
(sđd., tr. 240, tr. 241).
++ Tuần phủ hộ lí tổng đốc Thân Văn Nhiếp dâng sớ thiết trách vua Tự Đức
(sđd., tr. 244 – 246).
Đây là một bản tấu nghị thể hiện tính dân chủ rất cao ngay dưới chế độ quân chủ phong kiến.


Xin xem tiếp chương bốn

0 Comments:

Post a Comment

<< Home