TRAN XUAN AN - TIEU SU BN. PCDT. NGUYEN VAN TUONG [ 1 ]

Cuốn sách này, tác giả biên soạn để làm sách dẫn, phục vụ việc nghiên cứu "Đại Nam thực lục chính biên (IV, V, VI)"; đồng thời, đây cũng là đề cương chi tiết của bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử của tác giả: "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)" (NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2004). Trần Xuân An.

2.2.06

TIỂU SỬ BIÊN NIÊN KÌ VĨ PCĐT. NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tệp 3)

TRẦN XUÂN AN
(biên soạn)

TIỂU SỬ BIÊN NIÊN
KÌ VĨ PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886)

(tiếp theo)
(Tệp 3)

D. CHƯƠNG BỐN

VIII. THỜI LÀM TÁN TƯƠNG QUÂN THỨ, TIỄU PHỈ Ở BẮC KỲ
+++ Tháng bảy âl.
(Mậu thìn, 1868 [tiếp theo]).
++ Cũng vào tháng 7 âl., Mậu thìn, năm Tự Đức thứ 21 (1868), bang biện huyện Thành Hóa Nguyễn Văn Tường sung làm tán tương quân thứ, cùng một lực lượng quân hùng hậu, chia làm 3 đạo, đều do Đoàn Thọ (người An Giang, Nam Kỳ) giữ quyền tiết chế, ra Bắc Kỳ tiễu phỉ:
1. - Đoàn Thọ: Bình khấu tướng quân.
2. - Nguyễn Hiên: Thảo nghịch tả tướng quân.
3. - Phan Khắc Thận: Thảo nghịch hữu tướng quân.
4. - Lê Bá Thận: Chính đạo tham tán đại thần.
5. - Hoàng Văn Tuyển: Tả đạo tham tán đại thần.
6. - Trương Phúc Lý: Hữu đạo tham tán đại thần.
7. - Nguyễn Hữu Điềm: Tán lí quân thứ
8. - Nguyễn Văn Tường: Tán tương quân thứ.
9. - Nguyễn Văn Hùng: Phó đề đốc.
10. - Trần Văn Hùng: Lãnh binh quan Lạng Sơn.
Vua sai Trần Tiễn Thành ban rượu tiễn ở cửa Ngọ Môn và tặng thưởng theo cấp bậc.
(sđd., tr. 238).
++ Phủ Thái Bình nước Thanh gửi công văn thông báo sẽ cùng đánh giặc Ngô Côn (vốn là tàn dư Thái Bình thiên quốc ở Trung Hoa, đã biến tướng thành phỉ, tràn sang nước ta cướp bóc, chiếm đất, xưng hùng xưng bá). Trước đó, triều đình Đại Nam cũng thông tư cho đề đốc nước Thanh Phùng Tử Tài, để cùng hội đánh, vì quan quân nước ta đã vỗ yên bọn phỉ này nhưng chúng lại trở mặt, làm phản, quấy nhiễu.
(sđd., tr. 240, tr. 241).
++ Tuần phủ hộ lí tổng đốc Thân Văn Nhiếp dâng sớ thiết trách vua Tự Đức
(sđd., tr. 244 – 246).
Đây là một bản tấu nghị thể hiện tính dân chủ rất cao ngay dưới chế độ quân chủ phong kiến.
+++ Tháng tám âl..
++ Thả 74 tù phạm ở Thừa Thiên, phát giao cho quân thứ Lạng – Bằng để làm việc chuộc tội.
(sđd., tr. 248).
++ Ban áo rét cho tướng quân 3 đạo ra Bắc…
(sđd., tr. 248).
++ Lại làm miếu Hội đồng ở Quảng Trị (khi đổi tỉnh làm đạo, dỡ đi, nay làm lại).
(sđd., tr. 249).
+++ Tháng chín âl..
++ Trần Tiễn Thành lẽ ra phải làm chiêu thảo sứ, không phải là Vũ Trọng Bình, để ra Bắc tiễu phỉ, nhưng đình thần bàn lui!
(sđd., tr. 257 – 258).
+++ Tháng mười âl..
++ Vũ Trọng Bình thăng thụ thực hàm hiệp biện đại học sĩ, lãnh tổng đốc Hà – Ninh, sung làm khâm sai đại thần của quân thứ Tuyên – Thái – Lạng .
(sđd., tr. 262).
++ Tín đồ Thiên Chúa giáo Đinh Văn Điền (người Yên Mô, Ninh Bình, đồng hương với Phạm Thận Duật) mật tâu kế sách chống Pháp, quan hệ với nước Anh (cũng là thực dân xâm lược!). Đình thần cho rằng: Đinh Văn Điền vốn là đầu sỏ trong đám dân Thiên Chúa giáo, đã từng gây họa từ trước; lời tâu chỉ nhằm thăm dò triều đình phản ứng thế nào; chẳng qua muốn lái đất nước về phía Thiên Chúa giáo (hoặc muốn bày tỏ thái độ chính trị chính nghĩa để vẫn theo Thiên Chúa giáo?).
(sđd., tr. 262 – 263).
Cùng dạng như Nguyễn Trường Tộ, nhưng Nguyễn Trường Tộ ở trình độ cao hơn? Cả hai tiêu biểu cho một khuynh hướng trong Thiên Chúa giáo ở Việt Nam lúc bấy giờ? Vấn đề là ở La Mã và “Hội Truyền giáo Ba Lê (Paris) ở nước ngoài” (vốn câu kết làm một với thực dân)! Khuynh hướng tách khỏi giáo quyền La Mã (và đối với giáo dân Đại Nam, muốn thế, còn phải tách khỏi giáo quyền của “Hội Truyền giáo Ba Lê [Paris] ở nước ngoài”) như Anh giáo?
+++ Tháng mười một âl..
++ Đình thần nghị xử về tội trạng của các quan trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ, việc nghị “hòa”… (nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, Nguyễn Bá Nghi…). Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp dẫu đã chết vẫn bị truy đoạt lại chức hàm. Đồng thời quyết nghị đục bỏ tên Phan Thanh Giản ở bia tiến sĩ, để mãi mãi cái án trảm giam hậu với mục đích “giết người đã chết để răn về sau” … Tự Đức tự ăn năn là “không biết tính xa, dùng người sai lầm” (nguyên văn).
(sđd., tr. 267 – 270).
++ Để cùng dẹp phỉ, tri phủ Thái Bình nước Thanh gửi thư xin tăng số quân, phái người dẫn đường, giúp lương thực.
(sđd., tr. 273).
++ Bãi bỏ ruộng xã thương (10% số ruộng đất) ở phủ Thừa Thiên, vì “cha chung không ai khóc”; giao trả cho dân ruộng công để quân cấp (chia đều).
(sđd., tr. 275 – 276).
+++ Tháng mười hai âl..
++ Quân lính đạo Lạng Sơn bỏ ngũ. Suất đội Nghệ An Trần Đăng Đạo (ở quân thứ Lạng Sơn?) bị án chém vì ngược đãi lính.
(sđd., tr. 279 – 280).
++ Trần Tiễn Thành chuyển qua làm thượng thư Bộ Binh thay Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương vì tuổi già, bệnh lão, phải đổi sang quản lí Bộ Công, nhưng vẫn sung Cơ mật viện đại thần. Bùi Thức Kiên được đảm nhiệm chức vụ quyền lãnh thượng thư Bộ Lại.
(sđd., tr. 280).
++ Đoàn Thọ, Vũ Trọng Bình tâu về việc vỗ yên phỉ. Vua bảo: Như thế, có sự lưỡng lự giữa hai biện pháp, phủ dụ giặc và quyết đánh giặc; sự lưỡng lự ấy rất nguy hại.
(sđd., tr. 281).
++ Tự Đức định nghĩa về chức bang biện, và nhận xét: Bang biện chỉ là hư hàm, không có thực quyền, sinh ra tâm lí tạm bợ của người đề cử, người nhận chức.
(sđd., tr. 282).
++ Nguyễn Văn Tường, Đoàn Thọ và Đặng Toán (quan tỉnh Lạng Sơn) cùng với Vũ Trọng Bình, Lê Bá Thận bị giáng phạt có sai biệt (tùy mức nặng, nhẹ), mặc dù chỉ do Vũ Trọng Bình với Lê Bá Thận to tiếng với nhau, “mất đoàn kết”.
(sđd., tr. 286 – 287).
++ Quan quân thứ trước là Phạm Chi Hương dẫn Ngô Côn (giặc Cờ, tàn dư Thái Bình thiên quốc bên Tàu) đến đầu thú, ngoài cửa thành Lạng Sơn. Đoàn Thọ, Vũ Trọng Bình tiếp nhận, cấp cho Ngô Côn và quân của y một vạn lạng bạc, lại cho về Cao Bằng, sắp xếp chỗ ở. Ngô Côn trả lại phố Cầu Phong.
(sđd., tr. 288 – 289).

26) Tự Đức năm thứ 22, Kỉ tị (1869): 46 tuổi.
+++ Tháng giêng âl..
++ Án sát sứ Hải Dương Tôn Thất Thuyết tâu về việc phòng thủ và tuyển thêm lính Nghệ – Tĩnh.
(ĐNTL.CB., tập 31, sđd., tr. 305 – 306).
+++ Tháng hai âl..
++ Giặc Hoàng Anh xin thú ở Tuyên Quang và xin được cư trú tại mỏ Tụ Long.
(sđd., tr. 311).
++ Lệnh vua cho các quan quân thứ tiễu phỉ ở phía Bắc cứ 10 ngày 1 lần tâu báo.
(sđd., tr. 315).
+++ Tháng ba âl..
++ Có một sự sắp xếp lại nhân sự ở các quân thứ. Nguyễn Văn Tường: tham tán quân thứ Tuyên Quang; Mai Quý (quan ở tỉnh ấy) sung làm tán lí… Đoàn Thọ, Lê Bá Thận và Vũ Trọng Bình lại trò chuyện khắc nhau, tâu xin về triều chịu tội; xin vua chọn người khác thay thế! Do đó, có sự hoán chuyển nhân sự trên. Vua ra sắc dụ: 3 đạo quân phải quyết đánh và chỉ đánh mà thôi, vì Ngô Côn đã đầu hàng lại giáo giở (Ngô Côn đang chiếm giữ Đồng Đăng, Kỳ Lừa ở Lạng Sơn).
Lúc này, Phùng Tử Tài (đề đốc nhà Thanh) đến biên giới bàn việc hội đánh.
(sđd., tr. 315, tr. 316 – 317).
++ Tự Đức bàn chuyện mặt trận phía Bắc với Nguyễn Tri Phương, Trần Tiễn Thành; đặc biệt, về quẻ (*) trong Kinh Dịch (rút lui không có lỗi, nếu hợp cơ nghi), và vận dụng vào việc điều động quân thứ Thái Nguyên: cần rút lui về tỉnh thành, chẹn chỗ hiểm yếu, tất vững.
(sđd., tr. 321 – 322, 323).
---- (*) Quẻ sư (tả thứ, vô cữu [cựu]), hào 4 (địa thủy / sư có 6 hào). ----
+++ Tháng tư âl..
++ Đình thần xin lấy Nguyễn Tri Phương hoặc Trần Tiễn Thành sung chức khâm sai đại thần đến Bắc Ninh. Sau vua lại cho thượng thư Bộ Hình Nguyễn Văn Phong làm nhiệm vụ ấy. Trần Đình Túc làm tuần phủ Hà Nội thay Đào Trí. Đào Trí đến Bắc Ninh bàn việc quân. Vũ Trọng Bình xin tán tương quân thứ Tuyên Quang Nguyễn Văn Tường ở lại quân thứ Lạng Sơn để bàn tính chiến thuật (tham mưu).
(sđd., tr. 325).
++ Các quan quân thứ được thưởng. Nguyễn Văn Tường: 3 chỉ sâm, 1 thanh quế (hạng tư) để chống lam chướng, thêm tráng kiện… và tiền quy đổi từ vàng thưởng chung.
(sđd., tr. 326 – 327).
++ Ngô Côn đánh trận, mang nhiều súng ống, hỏa mù, cỡi ngựa tả xung hữu đột. Đoàn Thọ xin chế ống phụt lửa để trị bọn giặc Cờ này.
(sđd., tr. 328 – 329).
++ Quan Thanh đánh phỉ ở Kỳ Lừa, Chu Quyển, Đồng Đăng; phối hợp với Nguyễn Hiền.
(sđd., tr. 329).
++ Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên Nguyễn Bá Nghi tâu đề bạt và khen ngợi Nguyễn Văn Tường: Xin cất Nguyễn Văn Tường lên chức đốc phủ, vì đó là một người tài giỏi, am hiểu công việc lãnh đạo. [Vì chưa thật tin dùng Nguyễn Văn Tường, sau vụ đảo chính của Đoàn Trưng, còn gọi là “Kkhởi nghĩa Chày Vôi”, hồi ông còn làm phủ doãn kinh sư Thừa Thiên – Quảng Trị,] vua ban dụ: “Biết người rất khó” …; trách Nguyễn Bá Nghi tư vị, khinh thường.
(sđd., tr. 330 – 331).
++ Nước ta và nước Thanh treo thưởng về việc bắt sống hoặc chém được, bắn được Ngô Côn. Giá tiền thưởng đến 3.000 + 8.000 lạng bạc… hoặc 1.000 lạng bạc, tùy mức đạt được.
(sđd., tr. 331).
+++ Tháng năm âl..
++ Quan đạo Quảng Trị: Nguyễn Quế.
(sđd., tr. 336 – 337).
++ Phỉ Cờ vàng Hòang [Sùng] Anh đánh nhau với phỉ Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc.
(sđd., tr. 338).
++ Vũ Trọng Bình, Nguyễn Hiền, Đinh Hội đánh thắng, lấy lại thành Cao Bằng.
(sđd., tr. 339).
++ Tiết đại khánh hoàng thái hậu Từ Dũ, 60 tuổi: thưởng tiền gạo trị giá một tháng lương cho các quan 3 đạo ở Bắc Kỳ theo ân chiếu.
(sđd., tr. 343).
+++ Tháng sáu âl..
++ Hiệp lí Hải phòng tỉnh Hải Dương Hồ Trọng Đĩnh sung chức tán lí quân thứ Lạng Sơn.
(sđd., tr. 347).
++ Án sát sứ Tôn Thất Thuyết sung chức tán tương quân thứ Thái Nguyên.
(sđd., tr. 350).
+++ Tháng bảy âl..
++ Vì “đánh giá lại” Nguyễn Văn Chất (vụ Đoàn Trưng), Nguyễn Tri Phương bị vua khiển trách, giáng 2 cấp. Phan Huy Vịnh (*), Phạm Phú Thứ, Trần Tiễn Thành xin vua đưa Nguyễn Tri Phương ra Bắc Kỳ, sung chức Bắc Kỳ kinh lược đại sứ… Vua không đồng ý.
(sđd., tr. 355 – 356).
---- (*) Phan Huy Vịnh, dịch giả “Tỳ bà hành” (Bạch Cư Dị). ----
++ Viên ngoại lang Bộ Binh Trương Văn Đễ, tú tài Trương Quang Đản xin đến Sơn [Tây], Bắc [Ninh] mộ quân đánh giặc. Vua y cho.
(sđd., tr. 357).
++ Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Đình Nhuận lấy lại phủ thành Phú Bình, Thái Nguyên. Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường được lệnh vua bàn với tướng họ Phùng nước Thanh: Tiến quân về Thái, Bắc, Sơn, Tuyên, hội quân (phối hợp quân) cùng đánh.
(sđd., tr. 357).
++ Giặc Ngô Côn vây hãm tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Văn Phong, Bùi Tuấn cố giữ. Ông Ích Khiêm tiến về đánh giúp. Ngô Côn trúng đạn lạc. Ông Ích Khiêm được thưởng, khai phục hàm chức.
(sđd., tr. 357).
(ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 10 – 11: Ngô Côn chết).
++ Vua làm tiệc thọ chiêu đãi sinh nhật 70 tuổi của Nguyễn Tri Phương.
(sđd., tr. 358).
+++ Tháng chín âl..
++ Cao Bằng thiếu lương thực; Lạng Sơn phải phát chẩn, bán ra, cho vay. Vũ Trọng Bình từ khi lấy lại được Cao Bằng gặp phải lắm việc. Vua giao cho Nguyễn Văn Tường, Đặng [Kim] Toán, Trần Đôn Phục xét kĩ, tâu lên, đề xuất công việc cần làm.
(sđd., tr. 370 – 371).
++ Phùng Tử Tài đưa quân đến Bắc Ninh đóng trại, nghỉ chân. Sau đó, mang quân đi Thái Nguyên. Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường tiễn đến tỉnh Thái rồi về lại Bắc Ninh.
(sđd., tr. 371).
+++ Tháng mười âl..
++ Đình thần tâu về đạn tóe và các kĩ nghệ vũ khí khác; xin hỏi tuyển người am hiểu lĩnh vực này.
(sđd., tr. 373).
++ Giặc đầu hàng ở doanh trại quân Thanh hơn một vạn người.
(sđd., tr. 373).
+++ Tháng mười một âl..
++ Phái viên Pháp (quan năm, giám đốc) đến cửa biển Thuận An (Huế), và sau đó, được đến kinh đô, được vào bái yết vua Tự Đức để dâng quốc thư: Pháp muốn ta giao hẳn cho chúng 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long) bằng việc làm “hòa” ước mới để chính thức hóa việc chúng cướp 3 tỉnh ấy như 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). Vua và đình thần yêu cầu Pháp phải trả lại cho ta tỉnh Biên Hòa và không đòi số tiền “bồi thường chiến phí” ngược ngạo!
(sđd., tr. 382).
Số tiền khổng lồ ấy chúng ngược ngạo ép buộc, khiến triều đình và nhân dân thêm kiệt quệ, đến nỗi vua quan phải bỏ lệnh cấm nhân dân sử dụng thuốc phiện để đánh thuế loại ma túy đó, thậm chí còn cấn cả đồ vật quý (như chuông, tượng Phật bằng vàng, bạc!) cho chúng.
++ Phùng Tử Tài lại về Bắc Ninh, nghỉ quân; cho mời sư lập đàn chay, định ngày đem quân về nước. Ta đưa quốc thư, đề nghị lưu lại, và dùng lời khéo nói để quân hai nước cùng chung sức dẹp yên biên giới. Phùng Tử Tài nghe theo lời thương thuyết.
(sđd., tr. 383 – 384).

27) Tự Đức năm thứ 23, Canh ngọ (1870): 47 tuổi.
+++ Tháng giêng âl..
++ Co No (De Cornulier Lucinière) sang thay Ô Khỉ (Ohier) ở Gia Định, đưa quốc thư: Đòi làm “hòa” ước mới cho Pháp làm chủ hẳn Nam Kỳ lục tỉnh (!). Tổng đốc Bình – Phú Thân Văn Nhiếp, tổng đốc An – Tĩnh Hoàng Tá Viêm đề nghị phải được các nước Phương Tây và các nước châu Á công chứng sau khi ta đã tranh luận bác bẻ Pháp. Nhóm đình thần Trần Tiễn Thành: “Ta đang hết sức chịu khuất, mong để chống chế, chưa có cốt cách; nếu lấy lời tranh luận, chẳng những không ích, lại sinh khó ra (…). Huống chi các nước khác cũng là một giuộc với nhau”. Vua: “Ta không phải găng mà lí nước ấy là trái”.
(ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 7 – 8).
+++ Tháng hai âl..
++ Truy tặng hàm thống chế cho đề đốc quân thứ Thái Nguyên Phan Bân (người Hải Lăng, Quảng Trị). Đó là vị liệt sĩ anh hùng, bị giặc bắt sống, vẫn bất khuất.
(sđd., tr. 11).
++ Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên Nguyễn Bá Nghi và thống đốc Đào Trí tiếp vận lương thực, đạn dược không được kế tiếp (bị gián đoạn), gây khó khăn cho các quân thứ Đại Nam và Thanh quốc. Tướng nhà Thanh họ Phùng phàn nàn. Vua cất chức, cho 2 quan ấy đi quân thứ làm việc chuộc tội. Thự tuần phủ Hà Nội Trần Bình thay Nguyễn Bá Nghi; Vũ Trọng Bình kiêm việc thu lương vùng Sơn – Hưng – Tuyên. Đồng thời, Vũ Trọng Bình cùng Nguyễn Văn Tường bảo tướng họ Phùng tiến quân, cùng quyết hội quân, quyết đánh. Vua khen ngợi Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường giỏi ứng đối, cho chuyên sung việc hộ dẫn, phối hợp bàn định công việc, mưu kế đánh dẹp.
(sđd., tr. 11).
+++ Tháng ba âl..
++ Nguyễn Bá Nghi được khai phục làm bố chính Sơn Tây, Đào Trí làm lãnh binh quan (Vũ Trọng Bình trước đó tâu phê phán, nay tâu xin cho).
(sđd., tr. 15).
++ Y Pha Nho (Tây Ban Nha) cho sứ sang đệ quốc thư đáp lễ, nhắc lại việc trước đây Tự Đức cho lời lẽ của nước ấy không có thực tế.
(sđd., tr. 17 – 18).
+++ Tháng tư âl..
++ Phan Huy Vịnh (thượng thư Bộ Lễ kiêm chưởng Bộ Hình) bị giáng chức, cho về hưu; quyền lãnh thượng thư Bộ Lại Bùi Thức Kiên cũng bị giáng; quyền lãnh thượng thư Bộ Công Nguyễn Chính bị chê trách, bị cất chức (thu chức lại). Nguyễn Tri Phương kiêm cai quản Bộ Lại.
(sđd., tr. 19).
++ Nguyễn Bá Nghi chết.
(sđd., tr. 20).
++ Miên Thẩm chết.
(sđd., tr. 23).
+++ Tháng năm âl..
++ Vua Tự Đức cho triệu Hoàng Tá Viêm vào chầu để bàn về “hòa” ước với Pháp ngay trước mặt, và hỏi Hoàng Tá Viêm về vấn đề xung đột lương, giáo.
(sđd., tr. 24 – 26).
+++ Tháng sáu âl..
++ Đào Trí về hưu. Vua cho theo lời xin vì lí do già ốm.
(sđd., tr. 29).
++ Tướng Phùng Tử Tài ngại lam chướng, tâu bày về vua Thanh 8 điều, để xin rút quân về nước. Đó là lúc chưa lấy lại được Hà Dương. Nay đã thu lại được, nên Phùng càng quả quyết đưa thư cho ta để rút quân.
(sđd., tr. 29 – 30).
++ Vua tặng kiếm vàng, làm 3 bài thơ đề vào quạt, với nhiều phẩm vật khác để tặng Phủng Tử Tài. Tướng họ Phùng không nhận kiếm vàng… Tổng trấn Quan Tùng Chi ốm chết, Nguyễn Văn Tường sung làm khâm mạng đến phúng điếu 200 lạng bạc và nhiều lễ vật; lại đem 3.000 lạng bạc khác tặng các doanh quân Thanh. Vũ Trọng Bình làm đền “Chiểu trung”, thờ tướng tá nước Thanh chết trận (đền ở ngoài thành Lạng Sơn). Sơn Tây, Bắc Ninh làm đàn tế. Đó là các việc làm hữu nghị. Đại binh nhà Thanh, sau đó, đã rút về nước.
(sđd., tr. 30 – 31).
++ Tình hình tạm yên, Nguyễn Văn Tường tâu bày công việc xếp đặt Bắc Kỳ trước mắt và về sau (*):
---- (*) Trong ĐNTL.CB., tập 32, sđd., số trang dưới đây, có chép lại bản tấu rất bao quát và sâu sắc của Nguyễn Văn Tường. Bản tấu ấy thể hiện tư tưởng chính trị đức trị của ông. ----
1. Việc Nam Kỳ phải thư thả tính chuyện lấy lại, trước mắt lo giữ Bắc Kỳ.
2. Người đảm đương ở Bắc Kỳ lại cẩu thả. Muốn tâu bày thì không kể xiết. Ai chịu lỗi làm dân nhọc, dân oán?
3. Dùng pháp luật để sửa chữa thói tệ, sợ không hiệu quả. Phải lấy sự gương mẫu của quan để cải tạo thói tệ ấy. Và “không có sự hà khắc thì không có sự phản nghịch lớn” (nguyên văn). Cụ thể là quan phải thanh liêm, tài giỏi, khoan dung, đúng mức. Phải cải tổ cơ cấu quan chức; đồng thời quân tỉnh phải có thêm quân tinh nhuệ (lính kinh đô Huế, Thanh – Nghệ…). Xin quan đại thần uy đức như Nguyễn Tri Phương làm kinh lược Bắc Kỳ đại sứ với 2.000 quân.
4. Quy chế cũ ở Hà Nội cũng phải cải tổ, đổi mới, vẫn theo phương châm “quan chính đính thì dân chẳng dám không chính đính” (“thượng bất chính, hạ tắc loạn”: trên bất chính, dưới ắt loạn).
5. Chỉ rút quân chủ lực (quân thuộc Bộ) sau vài năm, tùy vào sự nhận định tình hình của quan kinh lược.
6. Nếu không như thế, e rằng phải tốn công sức tiễu trừ, bình định giặc phỉ ở Bắc Kỳ lần nữa.
(sđd., tr. 31 – 32).
Đây là bản tấu quan trọng của Nguyễn Văn Tường. Như đã nói, tấu nghị này thể hiện quan điểm chính trị: Nhân trị, đức trị, chứ không phải dùng hình pháp đơn thuần. Bản tấu còn trình bày rõ: Nhân trị, đức trị đi đôi với việc củng cố quân chủ lực và quân các tỉnh để trấn giữ; xác định mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trước mắt, và quyết dứt điểm, tạo cơ sở cho mục tiêu, nhiệm vụ sau (củng cố Bắc Kỳ, tạo cơ sở cho việc tái chiếm Nam Kỳ), tránh tình trạng ôm đồm, “xôi hỏng bỏng không”.
+++ Tháng bảy âl..
++ Tô Tứ, giặc đã đầu hàng ở Lạng Sơn, nay lại làm phản. Giặc họ Đặng, họ Hoàng lại nổi lên. Do đó, Lạng – Bắc hợp lại làm một quân thứ. Đoàn Thọ: tổng thống Bắc Kỳ quân vụ; Vũ Trọng Bình: hiệp thống; Lê Bá Thận: tham tán quân thứ Lạng – Bằng; Ông Ích Khiêm: tán lí.
(sđd., tr. 39).
+++ Tháng tám âl..
++ Giặc Khách đầu hàng, trước đã theo Phùng Tử Tài về nước, nay lại tràn qua. Tướng Phùng Tử Tài lại sai tri phủ Thái Bình (ở Trung Hoa) sang. Đó là Từ Diên Húc. Từ Diên Húc sang hiểu dụ lũ phỉ ấy.
(sđd., tr. 42).
++ Đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc sợ về nước sẽ bị giết, xin ở lại nước ta. Quan quân ta định dùng Lưu Vĩnh Phúc để diệt Hoàng Sùng Anh.
(sđd., tr. 42).
+++ Tháng chín âl..
++ Đoàn Thọ tâu: Xin thêm lính Nam Kỳ, vì lính Bắc Kỳ không dùng được. Vua trách tướng, dẫn lịch sử.
(sđd., tr. 44).
++ Cũng tháng 9 âl., bọn giặc đã đầu hàng lại đánh úp tỉnh Cao Bằng và chiếm được thành.
(sđd., tr. 46).
++ Cùng các quan quân thứ, do các công lao trước đây, Nguyễn Văn Tường cũng được thưởng nhung, quế và tiền (kể cả tiền chi về cho bố mẹ, vợ con).
(sđd., tr. 46).
++ Pháp đánh nhau với nước Phổ (Phổ Lỗ Sĩ, Đức), vua Pháp bị quân Phổ bắt sống. Tự Đức muốn thừa thời cơ này bảo Pháp trả lại sáu tỉnh Nam Kỳ. Đình thần bàn: Sai tuần phủ Bình Thuận Nguyễn Uy vào Gia Định, khéo léo nói chuyện. Vua lại sai viết quốc thư. Tướng Pháp chỉ đưa thư đáp lễ, không muốn điều đình. Đình thần cho rằng nước ta bận việc biên giới phía Bắc, việc với Pháp chưa tiện hành động.
(sđd., tr. 47 – 48).
++ Tự Đức ra đạo dụ về tình hình biên giới phía Bắc. Khi quân Thanh vừa rút thì ngay lập tức, giặc phỉ lại tràn sang, giặc hàng lại nổi dậy…
(sđd., tr. 50 – 51…).
+++ Tháng mười âl..
++ Sứ bộ sang Trung Hoa: Nguyễn Hữu Lập, Phạm Hy Lượng, Trần Văn Chuẩn. So với lễ cống theo lệ thường, phẩm vật lần này hậu hơn (do việc quân Thanh phối hợp tiễu phỉ). Cơ mật viện soạn sẵn các ý tưởng (về tình hình Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, Nã Phá Luân [Napoléon] bị Phổ bắt…), để sứ bộ đối đáp với vua nước Thanh và với các sứ giả Cao Ly (Nam Bắc Triều Tiên), Nhật Bản, Lưu Cầu (Riu Kiu)… hiện cũng ở đấy. Các ý tưởng đó thể hiện một sự cẩn trọng, ngại gây hiềm khích với Pháp và các nước Tây Phương…
(sđd., tr. 56 – 59).
++ Nguyễn Trường Tộ (giáo sĩ Thiên Chúa giáo) mật tâu 2 cách đối phó với Tây:
1. Lấy lại 6 tỉnh Nam Kỳ; vẫn quan hệ với Pháp về thương mại như người Anh [thực dân!] ở Hạ Châu (Mã Lai).
2. Quan hệ thân thiết với [thực dân!] Anh để Pháp nguôi bàn chuyện định “hòa” ước mới về Nam Kỳ…
Trần Tiễn Thành xin sai Nguyễn Hoằng (linh mục) sang Pháp, cùng cho Nguyễn Trường Tộ đi theo, xem tình hình Anh, Nga, Úc, Phổ (Đức)… Phương cách vẫn chỉ là biện pháp thương thuyết với hai viện Quốc hội Pháp. Vua cho vời Nguyễn Trường Tộ vào kinh để hỏi việc (Nguyễn Trường Tộ vốn đã du học ở Tây lâu ngày).
(sđd., tr. 59 – 60).
++ Cũng tháng 10 âl., giặc phỉ Tô Tứ đánh úp thành Lạng Sơn. Lãnh binh quan Lê Văn Dã tử trận; Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán vượt thành chạy. Nguyên nhân: thành bị bỏ trống, thiếu quân, do Ông Ích Khiêm và Hoàng Tướng Hiệp rút quân đi đánh phỉ ở Nà Dương. Nghe có biến, Ông Ích Khiêm đưa quân về Kỳ Lừa. Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán bơi qua sông, hội bàn. Tổng thống Bắc Kỳ quân vụ Đoàn Thọ lên thành chống giữ, bị chết tại trận! Vua giáng Vũ Trọng Bình xuống hồng lô tự khanh, đoạt chức hiệp thống. Cả ba vị quan này đều bị điều về Bắc Ninh. Vua giao cho Bùi Tuấn (tổng đốc Bắc Ninh) tự tính toán ủy nhiệm công việc khác. Việc quân thứ, giao cho Ông Ích Khiêm; Hoàng Tướng Hiệp được đổi sang làm tán tương; lại điều động Vũ Đức từ Sơn Tây về làm phó cho đề đốc hiện thời là Đinh Hội. Vua lại phái ngay 3.000 quân Hà Tĩnh ra Bắc Ninh; quan tỉnh Bắc Ninh (Bùi Tuấn, Nguyễn Bính) lo tiếp tế; lại sai viết thư cho tuần phủ Quảng Tây và đề đốc Phùng Tử Tài để xin chi viện.
Nguyễn Văn Tường sau lại được chuẩn cho quyền sung chức tán tương (để giao thiệp thư từ với các tướng Thanh).
(sđd., tr. 61 – 62).
++ Trước tình hình đó, vua và triều đình bàn việc cử người làm tướng soái, có tham khảo ý kiến riêng của Nguyễn Tri Phương. Quyết nghị: Tổng đốc An – Tĩnh Hoàng Tá Viêm sung chức Lạng – Bằng – Ninh – Thái thống đốc quân vụ đại thần với một thanh gươm vàng, 5 lá cờ lệnh; Hộ bộ biện lí Tôn Thất Thuyết mới sung chức tán tương đạo Ninh – Thái vào tháng 6 âl., nay đổi làm tán tương quân thứ.
(sđd., tr. 62).
Từ đây, mặt trận phía Bắc do Hoàng tá Viêm hoàn toàn thống lĩnh, có sự hỗ trợ của Lê Tuấn, rồi về sau là sự hỗ trợ của Tôn Thất Thuyết.
+++ Tháng mười nhuận âl..
++ Tôn Thất Thuyết đến Bắc Ninh, xin đánh gấp để mở đường tiếp vận lương từ Bắc Ninh lên Lạng Sơn, và chờ Hoàng Tá Viêm để cùng lên Thái Nguyên.
(sđd., tr. 66).
++ Ông Ích Khiêm đến đồn Cốc Trấn, bị giặc bắn xuyên qua đùi, bắp chân. Ông Ích Khiêm mang quân hộ tống về tỉnh Đông (Hải – Yên) để điều trị. Hộ phủ Hưng Hóa Nguyễn Huy Kỷ được thăng hàm tham tri Bộ Binh, thay Ông Ích Khiêm. Do Ông Ích Khiêm tùy tiện mang quân về tỉnh Đông, đồn bị rỗng, nên giặc càng vây áp đồn Kỳ Lừa (quan quân đóng ở đấy). Vì vậy, Vũ Đức rất dũng cảm vẫn bị thua giặc, bản thân lại bị thương. Vua giáng Ông Ích Khiêm xuống quan lộc tự khanh, sung tán lí.
(sđd., tr. 66).
++ Quân số ở 3 quân thứ: Lạng Sơn: 3.290; Thái Nguyên: 1.780; Bắc Ninh: 6.560. Cộng: hơn một vạn người.
(sđd., tr. 67).
+++ Tháng mười một âl..
++ Hoàng Tá Viêm lấy việc phủ dụ làm kế nhất định. Do đó, vua sai Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán đến Lạng Sơn, các tỉnh khác và các quân thứ để hiểu dụ, vỗ về. Kế sách của Tự Đức: phủ dụ mà giặc kiêu, ngang tàng, thì đánh ngay cho chúng nhụt rồi lại phủ dụ.
(sđd., tr. 70).
++ Cũng tháng mười một âl., đình thần tâu dâng lên bản án thất thủ thành Lạng Sơn. Tự Đức phân tích bản án, so sánh với việc thất thủ các thành Gia Định, Phiên An, Thái Nguyên, Tuyên Quang, cho là tiếc người, xử nhẹ. Tuy vậy, cuối cùng vua vẫn chuẩn như trước, mặc dù có cảnh cáo: Nếu tự xét xử, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán sẽ thấy là đáng tội trảm giam hậu. Còn một số khác, bị đánh 100 côn trước quân, cho làm quân đóng trước (quân tiền khu) để chuộc tội. Về Đoàn Thọ, Lê Văn Dã (tự sát hay bị giặc giết tại trận), sẽ điều tra, xét sau.
(sđd., tr. 70 – 72).
(xem thêm: tập 33, sđd., tr. 65 – 66).
++ Định lệ hàng năm tiến cử người mình biết. “Tiến cử người hiền tài thì được thưởng hậu, che giấu hiền tài thì bị giết” , không phải chỉ một lần vua Tự Đức nhắc lại câu này.
(sđd., tr. 72 – 74).
++ Định lại lệ thân nhân của giặc được vào dự thi và không được dự thi.
(sđd., tr. 74).
Đây là mặt đối lập của thói tệ tập ấm, sắc phong thời phong kiến (“một người làm quan cả họ được nhờ”!).
++ Thống đốc Hoàng Tá Viêm tâu: Tình hình biên giới gay go do quan lại ở đấy không khéo vỗ về; bọn giặc có khẩu hiệu (thực ra là chiêu bài mị dân): “Giết hết quan lại tham ô”. Hoàng Tá Viêm chủ trương vừa đánh vừa phủ dụ; còn việc xếp đặt về sau, rất cần người tài giỏi; trước mắt xin chuyển đổi một số quan lại.
(sđd., tr. 75 – 76).
+++ Tháng mười hai âl..
++ Vũ Phạm Khải vâng mật dụ đi chiêu phủ.
(sđd., tr. 80 – 81).
++ Cũng tháng mười hai âl., Tô Quốc Hán (Tô Tứ) xin hàng, nộp trả thành Lạng Sơn, cùng súng ống, khí giới khác, do Hoàng Tá Viêm phái người đến chiêu dụ. Ta phải cấp cho Tô Tứ đến 11.000 lạng bạc để quân của y về nước; còn năm trăm tên ở lại tại nơi chốn được sắp xếp trước đây, ấy là Nà Dương, Khôn Quang, với mức chu cấp 6 tháng lương. Tô Tứ trú ở Đồng Bộc. Được tin, vua cho thông báo khắp trong kinh ngoài tỉnh. Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Bính, Nguyễn Huy Kỷ đều được thưởng, gia thăng cấp, trật. Nguyễn Văn Tường: gia 1 trật, 1 đồng tứ mĩ kim tiền; Hoàng Tá Viêm: gia 2 cấp, 1 đồng ngũ phúc kim tiền…
(sđd., tr. 81 – 82).

28) Tự Đức năm thứ 24, Tân mùi (1871): 48 tuổi.
+++ Tháng giêng âl..
++ Giặc Đặng Chí Hùng (Đặng Vãn) xin đầu hàng.
(ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 84).
++ Vua thăng chức hàm cho một số quan trong triều và tại các tỉnh: Nguyễn Tri Phương: thái tử thái bảo; Trần Tiễn Thành: thự hiệp biện đại học sĩ; Hoàng Tá Viêm: gia hàm hiệp biện đại học sĩ; Phạm Phú Thứ: thự thượng thư Bộ Hộ; Lê Tuấn: thự thượng thư Bộ Hình…
(sđd., tr. 85 – 86).
++ Quan quân thứ Lạng Sơn dâng sớ: Cần một vạn phương gạo mới mong lấy lại thành Cao Bằng. Quan tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn vận lương đến.
(sđd., tr. 86).
++ 21 tên tù ở Hải – Yên đến quân thứ Lạng Sơn làm việc chuộc tội.
(sđd., tr. 87).
+++ Tháng hai âl..
++ Lưu Vĩnh Phúc giao chiến với Hoàng [Sùng] Anh. Tưởng Hoàng Anh đã chết, hóa ra y chỉ bị thương (theo tin do thám của quân thứ Tuyên Quang).
(sđd., tr. 89).
++ Bọn giặc thuộc hạ của Tô Tứ là Lao Doãn Tài (Lao Nhị) lại làm phản… Trách Tô Tứ, Tô Tứ bảo không kiềm chế nổi. Ngoài ra, giặc vỡ (bọn giặc đã bị đánh tan tác), vốn là thuộc hạ của họ Đặng (Đặng Vãn)… lại quấy nhiễu. Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Huy Kỷ bị giáng cấp. Hoàng Tá Viêm xin viết thư đề nghị quân Thanh chi viện.
(sđd., tr. 90 – 92).

IX. THỜI ĐƯỢC THĂNG TÁN LÍ QUÂN THỨ, TIẾP TỤC TIỄU PHỈ Ở BẮC KỲ (LẠNG SƠN, BẮC NINH…)

+++ Tháng ba âl.
(Tân mùi [1871]).
++ Hoàng Tá Viêm ủy nhiệm cho Nguyễn Văn Tường đem 2.000 quân đi đánh giặc. Bố chính sứ Bắc Ninh Phạm Thận Duật đem thủ dõng phối hợp với quân chủ lực của Nguyễn Văn Tường, tiến đánh bọn giặc phỉ ở xã Tiên Dược (thuộc huyện Kim Anh). Quân ta thắng trận. Đó là bọn giặc với đầu sỏ tên là Tịch, có 4.000 tên lâu la đi theo (4 đầu sỏ đồng bọn là Chuyên, Đài, Nhiễm, Chích, rất tàn ác), nổi lên khi bọn Tô Tứ trước đây vây thành Lạng Sơn. Bọn giặc này cướp quấy ở Đông Ngàn, Đa Phúc, Kim Anh. Hoàng Hữu Tài ở quân thứ được phái đi đánh, không may bị chết trận. Nay Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật đánh thắng, dẫu tên đầu sỏ trốn thoát. Hoàng Tá Viêm: quân công 2 cấp; Nguyễn Văn Tường: khai phục quang lộc tự khanh; Phạm Thận Duật: quân công một cấp.
(sđd., tr. 94).
++ Phùng Tử Tài đem 16 doanh quân sang.
(sđd., tr. 94 – 95).
++ Lấy lại được thành Cao Bằng. Đó là công của án sát Cao Bằng Đặng Duy Trinh và Vi Tam (quân Thanh)… Vi Tam lập mưu cho quân ăn mặc thường phục, như phu đi làm, vào thành lấp kín lỗ bắn súng lớn. Liền đó, hội quân đánh úp vào ban đêm.
(sđd., tr. 97).
(xem thực chất vấn đề ở tập 32, sđd., tr. 223…).
++ Khâm sai Phan Đình Bình về triều báo cáo tình hình biên giới Bắc. Trong đó, có nói Vũ Trọng Bình khác ý kiến với Ông Ích Khiêm (Ông Ích Khiêm chủ đánh, Vũ Trọng Bình ngã về hướng phủ dụ)…
(sđd., tr. 98 – 99).
+++ Tháng tư âl..
++ Quan Bộ Binh (Trần Tiễn Thành) xin điều động bố chính sứ Bắc Ninh Phạm Thận Duật lo việc đốc thúc vận lương; Ông Ích Khiêm, Nguyễn Văn Tường đi dẹp yên toán giặc ở Bắc Lệ, Hòa Lạc, giải tiền gạo cho đồn Quang Lang, tỉnh Lạng, để đưa thẳng đến thành Lạng Sơn, nhằm đỡ sự thiếu thốn ở đấy.
(sđd., tr. 101).
++ Ba Đình Kiệt và Từ Diên Húc từ Trung Hoa sang.
(sđd., tr. 101 – 102).
++ Lê Bá Thận (tả tham tri Bộ Hộ) thăng thượng thư Bộ Lễ.
(sđd., tr. 102).
++ Tiền giả do người Thanh đúc tràn sang nước ta.
(sđd., tr. 104).
++ Lê Tuấn làm khâm sai ra Bắc.
(sđd., tr. 104 – 105).
++ Có toán giặc chiếm đồn Quang Lang tỉnh Lạng. Tham tán Nguyễn Huy Kỷ, tuần phủ Lương Quy Chính bị giáng 4 cấp; tán lí Ông Ích Khgiêm, Nguyễn Văn Tường và thống đốc Hoàng Tá Viêm đều bị giáng 2 cấp, lưu nhiệm. Rồi vẫn chưa thông đường, vua giận, cách chức, lưu nhiệm tất cả. Lại viết quốc thư sang nước Thanh.
(sđd., tr. 104 – 105).
++ Giặc Hoàng Anh xin hàng. Vua cho.
(sđd., tr. 106).
++ Tô Quốc Hán, Tăng Á Trị lại đốt chỗ ở tại Nà Dương (Lạng Sơn) khi nghe quân Thanh sang. Chúng tụ lại tại An Châu.
(sđd., tr. 106).
+++ Tháng năm âl..
++ Đề đốc Phùng Tử Tài, đạo đài Ba Đình Kiệt đóng quân ở Long Châu (tiếp giáp nước ta). Quan quân thứ Lạng Sơn tâu lên, nên được lệnh mang quốc thư, phẩm vật sang ủy lạo và tặng.
(sđd., tr. 108).
++ Quân Thanh sang. Toán giặc ở đồn Quang Lang (Lạng Sơn) chạy tan. Quan quân tỉnh Bắc Ninh chở gạo đến Lạng Sơn.
(sđd., tr. 108).
++ Đang xem xét về Vũ Phạm Khải (quy hàng khi bị Đặng Vãn bắt) theo các nguồn tin, họ Vũ bỗng ốm chết.
(sđd., tr. 110 – 112).
++ Bắt được hai đầu sỏ giặc ở Bắc Ninh là Đỗ Chuyên, Nguyễn Nhiễm.
(sđd., tr. 126).
+++ Tháng sáu âl..
++ Tự Đức dịch ra quốc âm, làm thành bài ca, từ “Thập điều diễn nghĩa” của Thiệu Trị, ban bố rộng rãi đến nhân dân trong cả nước. (Về sau, một lần nữa, vua ra lệnh bỏ cấm đạo Thiên Chúa, nên sẽ lại thu về).
(sđd., tr. 126).
++ Quan khoa đạo Phan Văn Điển phê phán biện pháp phủ dụ của Hoàng Tá Viêm, và chỉ trích cả Lê Tuấn. Hoàng Tá Viêm và Lê Tuấn lại có tập tâu “càn bậy” (nguyên văn). Triều đình nghị xử. Vua đặc ân giảm nhẹ.
(sđd., tr. 127 – 129).
++ Định phái tàu đi ra nước ngoài thám thính tình hình phương xa.
(sđd., tr. 130).
+++ Tháng bảy âl..
++ Tăng Á Trị bị bắn chết; Lao Doãn Tài đầu hàng.
(sđd., tr. 139).
+++ Tháng tám âl..
++ Phan Huy Vịnh chết (đã về hưu trước đó).
(sđd., tr. 140).
++ Đầu tháng 8 âl., vua đã dụ cho các quân thứ tại Bắc Kỳ: Mời quân Thanh sang hội đánh; Hoàng Tá Viêm, Trần Đình Túc sợ mất thể diện, xin tự làm lấy; lại để dài ngày; thị sư Lê Tuấn khi ra đi, hứa đánh mạnh vài trận mới phủ dụ, đến nay vẫn không thi thố được gì. Do đó, vua chê trách: Nay để cho quân Thanh khinh dể, thật xấu hổ!...
(sđd., tr. 140 – 141).
++ Lê Tuấn sung chức Bắc Kỳ kinh lược đại thần.
(sđd., tr. 141).
++ Lãnh tri phủ Từ Sơn Trương Quang Đản bắt được tên Nguyễn Văn Đài, đầu sỏ giặc tàn bạo nhất trong các tên giặc, nhờ người được phái giỏi.
(sđd., tr. 141 – 142).
+++ Tháng chín âl..
++ Hoàng Tá Viêm, Lê Tuấn tâu báo: Chủ nuôi chứa Hoàng Anh là một người Mèo (*); về tình trạng thâm thù giữa Lưu Vĩnh Phúc với Hoàng Anh.
(sđd., tr. 143).
---- (*) Tại Suối Bốc ở Tuyên Quang (tập 31, sđd., tr. 60). ----
++ Hoàng Tá Viêm và Lê Tuấn, hai người thống lĩnh mặt trận phía Bắc, dâng tập tâu, nhận định các mặt của biên giới giáp Trung Hoa. Trong đó có nhận xét: Người Hoa sang cư ngụ ở Bắc Kỳ nhiều hơn tất cả các kỳ (nhất là thời Thanh triều), dễ câu kết với giặc Khách. Và đề xuất biện pháp. Vua khen đây là tập tâu có giá trị nhất, chuẩn cho thi hành ngay.
(sđd., tr. 144 – 153).
+++ Tháng mười âl..
++ Phó tướng nước Thanh Lôi Bỉnh Cương bắt được Tô Tứ ở trấn Đông Hưng (Trung Hoa). Bè lũ còn lại chạy sang phủ Hải Ninh (tỉnh Quang Yên, nước ta), nơi Hồ Trọng Đĩnh trấn nhậm.
(sđd., tr. 155).
++ Vua giáng dụ quở trách Hoàng Tá Viêm và Lê Tuấn (vì được giao quyền lớn nhưng ít được việc), động viên một loạt các quan quân thứ, quan tỉnh (trong đó có Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Hoàng Diệu, Đinh Hội, Trần Thiện Chính, Vũ Trọng Bình, Trần Đình Túc…).
(sđd., tr. 157).
+++ Tháng mười một âl..
++ Giặc Hoàng Tề (người Việt đã Hoa hóa), giặc Tô Tứ còn sót và giặc biển câu kết với nhau, quấy nhiễu Hải – Yên. Hồ Trọng Đĩnh xin phái tàu chạy hơi nước đánh dẹp.
(sđd., tr. 159).
++ Cũng tháng 11 âl., Lê Tuấn tâu xin bán ruộng đất công bỏ hoang, thành ruộng tư, với các mức giá ruộng khác nhau… Đình thần xét, vua y cho.
(sđd., tr. 166 – 169).
Đây là vấn đề mà về sau, Nguyễn Văn Tườngsẽ cải cách thuế ruộng công, ruộng tư, nhằm giải quyết lại vấn đề đó.
+++ Tháng mười hai âl..
++ Tham tán Ông Ích Khiêm và tán lí Trần Thiện Chính đem thuốc cháy bắn ra, đốt giặc ở xã Sen Hồ, tỉnh Sơn Tây, thắng lớn, được thưởng.
(sđd., tr. 172).
++ Bắc Ninh động đất, tiếng vang như sấm.
(sđd., tr. 173).
++ Tri phủ Từ Sơn Trương Quang Đản đem binh dõng đi đánh giặc, bắt được tên đầu sỏ Nguyễn Đình Chích.
(sđd., tr. 174).

29) Tự Đức năm thứ 25, Nhâm thân (1872): 49 tuổi.
+++ Tháng giêng âl..
++ Vua ra dụ, phân tích tình hình phía Bắc; nhắc nhở và động viên Hoàng Tá Viêm, Lê Tuấn, quan tỉnh Lạng Sơn Lương Quy Chính, quan tỉnh Cao Bằng Đặng Duy Trinh; đặc biệt nhắc lại sự ân giảm lỗi và phục chức cho Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường để khích lệ.
(ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 176 – 177).
++ Giặc Hoàng Anh quấy nhiễu Tuyên Quang.
(sđd., tr. 179).
++ Tướng nhà Thanh Lưu Ngọc Thành, Trần Triều Cương hội quân tiễu phỉ ở Thái Nguyên.
(sđd., tr. 179).
+++ Tháng hai âl..
++ Vua trách Ông Ích Khiêm dung túng quân lính làm càn, bản thân kiêu ngạo, cứng xẵng, nóng tính.
(sđd., tr. 180 – 182).
++ Phùng Tử Tài gửi văn thư nói sẽ rút quân về.
(sđd., tr. 184).
++ Quan quân Bắc Ninh (đề đốc Đinh Hội, phó đề đốc Trần Môn [Mân?], án sát Hoàng Diệu) đánh lui bọn thủy tặc.
(sđd., tr. 184).
++ Tự Đức mật dụ động viên Hoàng Tá Viêm, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường (dụ riêng cho 3 người). Trong lời dụ này, có nói đến gốc gác, tài năng của 3 vị ấy: Hoàng Tán Viêm, con nhà dòng dõi (con trai của Hoàng Kim Xán); Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường được tuyển vào hạng tuấn kiệt trong nước.
(sđd., tr. 185 – 186).
++ Bố chính sứ Tôn Thất Thuyết và tán tương Trương Văn Đễ đánh giặc ở Hải Dương. Đầu sỏ Hoàng Tề chết trong trận. Lê Tuấn, Tôn Thất Thuyết và Trương Văn Đễ… được thưởng và khai phục.
(sđd., tr. 186).
++ Phó đề đốc Trần Mân, tham tán Ông Ích Khiêm, tán lí Nguyễn Văn Tường đánh tan giặc Khách (Tàu) ở Thanh Dã, Thái Nguyên, được thăng thưởng.
(sđd., tr. 189).
+++ Tháng ba âl..
++ Tổng đốc Ninh – Thái Bùi Tuấn (người Hà Nội, đồng tiến sĩ) chết.
(sđd., tr. 191).
++ Dân Bắc Kỳ (Sơn tây, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng yên, Hải Dương) bị đói, xiêu tán, chết đường. Quan tỉnh, huyện có lệnh tìm cách giúp. Vũ Trọng Bình sung làm khâm phái để khuyên dân giàu nên thực hiện câu “lá lành đùm lá rách”…, và cũng nhân thể tìm hiểu nỗi khổ của dân, phát hiện các việc gian giấu, trấn trị bọn tham quan, cường hào.
(sđd., tr. 191).
+++ Tháng tư âl..
++ Thự thượng thư Bộ Hình Nguyễn Uy ra Bắc làm thự tổng đốc Ninh – Thái kiêm sung chức thị sư. Nguyễn Uy ra Bắc với 3 đạo quân kinh phái (tăng cường lính từ kinh đô [chủ lực]), mang theo vàng bạc nhà vua thưởng các quân thứ, các quân doanh tỉnh.
(sđd., tr. 193, 194).
++ Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Tri Phương, lãnh thượng thư Bộ Lại, đã khỏi bệnh, vào chầu.
(sđd., tr. 195).
++ Giặc Hoàng Anh xin hàng. Buộc hắn trả lại tiền chu cấp khi hàng phục mà hắn đã lãnh trước đây! Cảnh giác!
(sđd., tr. 202).
++ Quân thư Bắc Ninh bắt được tên giặc Tịch (tức Lê Khuông), đóng cũi giải về kinh đô Huế. Vua cho Tịch là tên kiệt hiệt nhất trong bọn đầu sỏ; tuyên dụ khắp Bắc Kỳ. Khi Tịch bị giải vào đến Quảng Trị, y tự sát (đâm bụng, cắn lưỡi). Quản đạo Quảng Trị lăng trì xác giặc, bêu đầu 3 ngày, giã nhỏ vứt sông để răn đe. Lúc này là cuối tháng 4 âl..
(sđd., tr. 205 – 206).
+++ Tháng năm âl..
++ Đầu tháng, Quảng Trị mua được hai cỗ voi đem tiến
(sđd., tr. 206).
Bố chính sứ Hải Dương Tôn Thất Thuyết tự tiện xử án chém hai người lính chăn voi (do sự cãi vã về tiền bạc, họ đánh bừa lại dịch giữ kho), lúc còn ở quân thứ Hải – Yên, đến nay, Tôn Thất Thuyết bị cách chức, lưu nhiệm… Đinh Hội dự bàn, Lê Tuấn biện bạch không rõ ràng, nên cũng bị liên can.
(sđd., tr. 208).
++ Tự Đức ra thăm sông Vĩnh Định, Quảng Trị. Phó quản đạo Mạnh Tuyển sửa sông chậm, bị đóng gông, sau đó lại có lệnh tha. Quản đạo Tôn Thất Trường bị giáng 2 cấp. Nhưng rồi cả hai đều được lưu nhiệm.
(sđd., tr. 211).
+++ Tháng sáu âl..
++ Giặc Khách, thổ phỉ vây bức phủ Đoan Hùng (Sơn Tây).
(sđd., tr. 219).
++ Huyện nha Thanh Hà (Hải Dương) bị giặc đốt.
(sđd., tr. 220).
++ Điều tra vụ bố chính tỉnh Cao Bằng Đặng Duy Trinh và Vi Tam lấy lại được thành Cao Bằng hồi tháng tư âl., Tự Đức năm thứ 24 (1871) (xem lại tập 32, sđd., tr. 97 – 98): Hóa ra, Vi Tam là phỉ chứ không phải quân nhà Thanh thuộc quyền của Phùng Tử Tài… (xem tiếp ở tiểu mục tháng 7 âl., Tự Đức năm thứ 30 [1877], tập 34, sđd., tr. 58 – 59) (*).
(sđd., tr. 222 – 223).
---- (*) Nguyên tắc chép sử biên niên: Việc đến đâu, ghi đến đó, “xin xem hồi sau sẽ rõ”. ----
+++ Tháng bảy âl..
++ Giặc Hoàng Anh xin hàng một lần nữa. Vua không cho.
(sđd., tr. 224).
(xem thêm: tập 33, sđd., tr. 225 – 226).
++ Nguyễn Tri Phương sung chức tuyên sát đổng sức đại thần, đến 2 quân thứ Sơn Tây, Hải Dương. Vua ra dụ, nhận xét, phê bình Hoàng Tá Viêm, Lê Tuấn, Ông Ích Khiêm, Trương Văn Đễ, Vũ Trọng Bình, Lê Hữu Thường. Về Nguyễn Văn Tường, vua Tự Đức viết: Nguyễn Văn Tường vốn cậy mình tài giỏi, nhưng lúc thì giáng, lúc thì thăng, không biết cảm kích, cố gắng” (nguyên văn). Nguyễn Tri Phương mang bức dụ này đến các quân thứ Sơn Tây, Hải Dương, lệnh cho tướng sĩ, từ Hoàng Tá Viêm trở xuống đều phải quỳ trước hương án nghe tuyên đọc để biết rõ thêm và tự sám hối. Vua áy náy vì phái lão tướng Nguyễn Tri Phương đi, nhưng cũng do đình thần thường xin cử Nguyễn Tri Phương.
(sđd., tr. 224 – 227).
++ Tham tán quân thứ Sơn Tây Ông Ích Khiêm và tán tương Trương Văn Đễ khắc với Hoàng Tá Viêm, rất căng thẳng.
(sđd., tr. 227).
+++ Tháng tám âl..
++ Tán lí quân thứ Sơn Tây Trần Thiện Chính bị cách chức (cấp tiền trái lệ; lấy vợ lẽ lại giả ốm; hút thuốc phiện).
(sđd., tr. 231).
++ Treo giải cho việc bắt được giặc Phùng Văn Tường (người Kinh, thứ yếu phạm, thường được gọi là Quận Tường).
(sđd., tr. 234).
+++ Tháng chín âl..
++ Nguyễn Tư Giản được đặc cách bổ làm tham tri, quyền lãnh thượng thư Bộ Lại, phó tổng tài Quốc sử quán; Ngụy Khắc Đản: thự tham tri, quyền lãnh thượng thư Bộ Binh (thượng thư Bộ Binh Trần Tiễn Thành có tang, cáo nghỉ)…
(sđd., tr. 238).
++ Đặng Xuân Bảng, thự tuần phủ Hưng Yên, được đổi làm tuần phủ Hải Dương; Nguyễn Đức Đạt: tuần phủ Hưng Yên.
(sđd., tr. 239).
+++ Tháng mười một âl..
++ Thân Văn Nhiếp (tổng đốc Bình – Phú) chết.
(sđd., tr. 248).
++ Cũng tháng mười một âl., Ngụy Khắc Đản sung làm quyền lãnh thượng thư Bộ Công.
(sđd., tr. 253).
++ Hai tàu thủy, một tàu buồm của Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) đến cửa Cấm, tỉnh Hải Dương, xin mượn đường đi Vân Nam. Chúng phối hợp với tàu Bô Len (Bourayne) của Phủ súy Pháp tại Gia Định. Bùi Thức Kiên, Lê Tuấn tìm cách đối phó.
(sđd., tr. 253 – 255).
++ Nước ta nhiều lần gửi quốc thư cho Pháp, vẫn không nhận được thư trả lời của quốc trưởng nước ấy, mà chỉ là thư phúc đáp của tướng Pháp ở Phủ súy Gia Định. Vua Tự Đức cho là khó tin tên tướng Pháp ấy, nên muốn nhờ thống đốc nước Anh chuyển quốc thư giúp, hỏi quốc trưởng Pháp có nhận được các quốc thư của ta đã gửi trước đây không, và về việc có nên đưa sứ bộ trực tiếp sang Pháp không. Thống đốc Anh trả lời: Trở ngại, xin đình việc ấy.
(sđd., tr. 256).
++ Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) chạy tàu thủy qua Hưng Yên.
(sđd., tr. 258).
+++ Tháng mười hai âl..
++ Quan Viện Cơ mật – Thương bạc xin mở cửa hàng buôn bán ở 3 cửa biển: Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên. Đình nghị: Như thế sẽ có 5 điều lợi nhưng gặp phải 8 điều khó khăn; chưa nên làm vội. Việc ấy ngừng lại ở đó.
(sđd., tr. 267 – 269).

30) Tự Đức năm thứ 26, Quý dậu (1873): 50 tuổi.
+++ Tháng giêng âl..
++ Đoàn tàu thủy Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) tự thị chạy lên Hưng Hóa.
(ĐNTL.CB, tập 32, sđd., tr. 272).
+++ Tháng hai âl..
++ Sai sứ sang nước Thanh (gồm bố chính sứ Quảng Ngãi Phan Sĩ Thục, quản đạo Hà Tĩnh Hà Văn Quan, lãnh lang trung Bộ Hộ Nguyễn Tu), dâng sớ trực tiếp lên vua Thanh về tình hình biên giới Việt – Hoa (nhân dịp đáo lệ tiến cống).
(sđd., tr. 279 – 280).
+++ Tháng ba âl..
++ Sai quan quân thứ vẽ bản đồ cụ thể, chi tiết ở 4 nơi tiếp giáp Tam tuyên.
(sđd., tr. 283).
++ Tướng Pháp ở Gia Định đưa thư tỏ ý muốn giúp ta đánh lui giặc Cờ, giặc biển ở Bắc Kỳ. Vua và đình thần dè dặt.
(sđd., tr. 285).
++ Nguyễn Tri Phương: Phong tỏa sông để ngăn giặc quấy phá. Hoàng Tá Viêm: Sợ lòng giặc bức bách, chúng sẽ làm càn. Vua trách Hoàng Tá Viêm quá sợ!
(sđd., tr. 286).
++ Cuối tháng 3 âl., tán lí quân thứ Sơn – Hưng – Tuyên Tôn Thất Thuyết: hàm thị lang Bộ Binh, thăng thự tham tri, sung chức tham tán. Vua dùng ngụ ngôn, ví Tôn Thất Thuyết có oai tướng như oai hổ (khi hổ đuổi người, cố chết cố sống, người cũng phải vượt sông, hơn là treo thưởng động viên vượt sông).
(sđd., tr. 287).


D. CHƯƠNG NĂM

X. THỜI LÀM PHÓ SỨ BỘ 1873, KÍ “HÒA” ƯỚC GIÁP TUẤT 1874.

+++ Tháng năm âl.
(Quý dậu, 1873).
++ Triệu tập Lê Tuấn (kinh lược), Nguyễn Văn Tường (tán lí), Trần Hy Tăng (đang ở nhà nuôi mẹ già ốm, tạm xin nghỉ) về kinh đô. Nguyên do: tướng nước Pháp ở Gia Định đưa thư yêu cầu ta nhượng hẳn cho chúng 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ bằng “hòa” ước, mặc dù chúng đã chiếm từ 1867 (thư gửi từ tháng giêng âl. năm này). Đình thần sợ rằng đó là ý tướng Pháp ở Gia Định, không phải ý quốc trưởng Pháp, xin đưa sứ bộ sang Ba Lê (Paris) hỏi, về báo cáo, rồi tính liệu sau. Vua cho là phải, nên có lệnh dụ triệu tập trên.
(ĐNTL.CB., tập 32, sđd., tr. 293).
+++ Tháng sáu âl..
++ Vua ngự ở Điện Văn Minh, triệu Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường vào, từng người một, để hỏi tình hình biên giới phía Bắc.
Lê Tuấn được hỏi về việc biên giới ở Hải Dương, Quảng Yên.
Lê Tuấn trình bày về 3 tổng: 1 ở bãi cát biển, 2 ở hải đảo. Ba nơi ấy tàu thuyền đi đến để đánh giặc đã khó, giặc lại dễ trốn. Hải Dương lại quá nhiều đường sông; cách Quảng Yên, Nam Định chỉ một ngày đường, lại có đến 7, 8 cửa biển…
Nguyễn Văn Tường được hỏi: Việc biên giới Bắc Kỳ sao lâu rồi vẫn không xong? Nguyễn Văn Tường trình bày: Thượng du nước độc, lam chướng nhiều; quân nhiễm bệnh lắm. Vua: Kĩ nghệ quân sự của quân Thanh có hơn gì ta, sao giặc lại sợ? Nguyễn Văn Tường: Quân Thanh phần lớn là người thượng du, đã quen sơn lam chướng khí. Vua: Không nên dùng quân quá 3 năm, mà nay đã 4, 5 năm; làm sao xong việc dẹp giặc phỉ? Nguyễn Văn Tường: Đã hết lòng hết sức, nhưng thế và lực không thể sớm xong được. Vua: Mong yên phía Bắc để tính việc khác, không ngờ kéo dài đến thế…
Vua bảo Bộ Binh (Trần Tiễn Thành): Giặc có súng thần công kiểu mới, súng lục kiểu Tây, vỏ đồng, bắn nhanh; hỏi mua ở đâu, để kịp mua dùng?
Vua lại triệu Lê Tuấn vào, hỏi về Hoàng Tá Viêm và Lê Hữu Thường. Lê Tuấn tâu nhận xét. Vua lại hỏi về vùng Cát Bà. Lê Tuấn đáp: Đó là nơi giặc giấu của cải cướp được và người Thanh ở đấy tiêu thụ giúp.
(sđd., tr. 300 – 303).
++ Sứ bộ sang Tây: Lê Tuấn (thượng thư), Nguyễn Văn Tường (tạm mang hàm tham tri), Nguyễn Tăng Doãn (hồng lô tự khanh, sung làm tham biện). Sứ bộ sẽ vào Gia Định hội đàm với toàn quyền đại thần Pháp Du Bi Lê (Dupré) để định “hòa” ước trước (*), rồi sau đó sẽ sang Pháp.
(sđd., tr. 304).
---- (*) Ngày 16 tháng 6 nhuận, âl., sứ bộ về cửa biển Thuận An. Hôm sau, ngày 17, lên tàu khởi hành vào Gia Định. ----


(Hết CHƯƠNG BỐN.
CHƯƠNG NĂM còn tiếp.
Xin xem tiếp tệp 4).


_____________________

Việt Nam, TP. HCM.,
thứ năm (thứ sáu cũ), ngày 03-02 HB6 [ 2006 ]
( mùng sáu tháng giêng, Bính tuất HB6 ).


_____________________

ĐÍNH CHÍNH
(ngày 05 tháng chín HB6 [2006]):

Người biên soạn đã gõ phím vi tính sai 2 chữ ở đoạn "Tự Đức năm thứ 23, Canh ngọ (1870): [...]

[...]
++ Cũng tháng 10 âl., giặc phỉ Tô Tứ đánh úp thành Lạng Sơn. Lãnh binh quan Lê Văn Dã tử trận; Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán vượt thành chạy. Nguyên nhân: thành bị bỏ trống, thiếu quân, do Ông Ích Khiêm và Hoàng Tướng Hiệp rút quân đi đánh phỉ ở Nà Dương. Nghe có biến, Ông Ích Khiêm đưa quân về Kỳ Lừa.
Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, Đặng Toán bơi qua sông, hội bàn
. [...]".

Xin đính chính lại như trên.
Thành thật cáo lỗi cùng quý người đọc.
Trần Xuân An

0 Comments:

Post a Comment

<< Home